• Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2021
  • 11:14 GMT +7

Tuyển sinh đại học sao cho thực chất?

Lan Anh (tổng hợp)
Không có phương thức xét tuyển nào là hoàn hảo nên đa dạng phương thức xét tuyển giúp tiếp cận được những đối tượng thí sinh với những phẩm chất năng lực khác nhau.

Trước thực tế nhiều trường ĐH vẫn phụ thuộc quá nhiều vào điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, mới đây, Bộ GD-ĐT đã khuyến nghị các trường nên đa dạng phương thức xét tuyển, với những trường “hot” chỉ nên sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để sơ tuyển.

Xét từ điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn là chủ đạo

Kỳ thi THPT quốc gia trước kia, nay là kỳ thi tốt nghiệp THPT vốn là chỗ dựa của các trường ĐH để xét tuyển. Từ việc dựa hoàn toàn vào kết quả kỳ thi này để xét tuyển, nay nhiều trường đã sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết từ việc chỉ sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, hai năm qua, trường đã đa dạng các phương thức xét tuyển như xét tuyển bằng kết quả học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển. Đa dạng các phương thức xét tuyển để không quá lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, vừa tiếp cận được đa dạng thí sinh với những năng lực và phẩm chất khác nhau.

Thí sinh thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức

Thí sinh thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức

Năm 2021, số lượng các trường ĐH sử dụng nhiều phương thức xét tuyển ngày càng nhiều. Điều dễ nhận thấy, bênh cạnh phương thức xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường còn sử dụng các phương thức xét tuyển khác như xét học bạ, xét tuyển thẳng học sinh các trường chuyên và năng khiếu, xét tuyển kết hợp kết quả học tập bậc THPT với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, điểm SAT…

Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, nguyên phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho rằng trong tuyển sinh, các trường ĐH tốp đầu luôn làm chủ cuộc chơi khi có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển lớn, thu hút được thí sinh giỏi và luôn có điểm chuẩn cao. Ở vị thế này, các trường lại thường “trung thành” với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT nên dẫn dắt cuộc chơi ở phương thức xét tuyển này. Vì vậy, dễ hiểu vì sao Bộ GD-ĐT lại khuyến nghị các trường “hot” chỉ nên sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để sơ tuyển”.

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng (ĐHQG TP HCM), cho biết niện nay 70% chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào ĐH theo phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này cho thấy phương thức xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT là chủ yếu, quan trọng đối với các trường ĐH bởi đây là kỳ thi chung, kết quả là thước đo chung.

Thi đánh giá năng lực tốn kém

PGS-TS Hồ Thanh Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP HCM) cho biết không có phương thức xét tuyển nào là hoàn hảo nên đa dạng phương thức xét tuyển giúp tiếp cận được những đối tượng thí sinh với những phẩm chất năng lực khác nhau. Tuy vậy, đôi khi các trường lại không thể làm chủ để tuyển sinh đúng đối tượng.

Sau nhiều năm chuẩn bị, năm 2017, Trường ĐH Luật TP HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Việc xét tuyển vào Trường ĐH Luật không dựa hoàn toàn vào kỳ thi đánh giá năng lực mà có sự kết hợp của kết quả học bạ, kết quả kỳ thi THPT. Cụ thể, tuỳ theo tỉ trọng điểm hàng năm do trường quy định, quy trình xét tuyển của Trường ĐH Luật trước tiên dựa vào kết quả học bạ sau đó kết hợp với kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Chỉ những thí sinh vượt qua điểm số theo quy định mới bước tiếp đến kỳ thi đánh gia năng lực do trường tổ chức.

Cấu trúc đề thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Luật TP HCM gồm 4 nhóm kiến thức: Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt; Kiến thức xã hội tổng hợp; Kiến thức về pháp luật; Tư duy lôgíc và khả năng lập luận. Lãnh đạo Trường ĐH Luật TP HCM, cho biết lý do trường tổ chức kỳ thi này nhằm tìm ra những sinh viên phù hợp với ngành luật. Thế nhưng, Trường ĐH Luật TP HCM phải dừng thi đánh giá năng lực sau 3 năm tổ chức bởi tiếp tục duy trì là tự làm khó mình.

PGS-TS Trần Hoàng Hải khi đó là Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP HCM cho biết 3 năm thực hiện tự chủ tuyển sinh, trường luôn tuyển đủ chỉ tiêu nhưng quy trình tuyển sinh qua nhiều công đoạn như hiện nay là quá phức tạp với thí sinh bởi các trường ĐH sử dụng rất nhiều phương thức xét tuyển như tuyển thẳng học sinh giỏi, xét tuyển học bạ, xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT.

TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban công tác Sinh viên, ĐHQG TP HCM, cho rằng những ngành như khối ngành sức khoẻ, Luật, báo chí… cần có những phương thức xét tuyển riêng mang tính đặc thù. Tuy vậy, để tổ chức thi đánh giá năng lực riêng cần có sự chuẩn bị lâu dài và tốn kém. Vì vậy, cần có sự liên minh, công nhận kết quả chung để xét tuyển giống như nhiều trường sử dụng kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM hay của ĐHQG Hà Nội để xét tuyển. Trong tương lai, chắc chắn các trường không thể dựa mãi vào kỳ thi tốt nghiệp THPT mà cần có phương thức riêng để tuyển được đối tượng thí sinh phù họp với đặc thù nghề nghiệp.

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top