Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP HCM cho biết trường đang xây dựng đề án tuyển sinh năm 2021. Về cơ bản, các trường vẫn giữ các phương thức xét tuyển như năm 2021 và đang nghiên cứu thêm phương phức tuyển sinh mới.
Đổi mới tuyển sinh
Năm 2021, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM sử dụng 4 phương thức xét tuyển cho chương trình trong nước (chương trình đại trà, chất lượng cao) là tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT; Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021; Ưu tiên xét tuyển và xét học bạ; Xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực.
Ông Vũ cho biết trong 4 phương thức xét chương ho chương trình trong nước thì phương thức xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn lả chủ đạo với tỉ lệ chỉ tiêu cao. Tuy vậy, phương thức này cùng với phương thức xét học bạ lại quá thiên về điểm số 3 môn, điểu này khiến thí sinh có cu hướng học lệch. Phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực tuy có đánh giá toàn diện các môn nhưng cũng chưa phải là đánh giá đầy đủ các năng lực của học sinh.
Tại Trường ĐH Quốc tế (thành viên ĐHQG TPHCM), năm 2022, trường có kế hoạch duy trì phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức. Thông tin từ trường cho biết đây là phương thức xét tuyển hiệu quả nhưng 2 năm qua kỳ thi này bị gián đoạn tổ chức do dịch bệnh Covid-19.
Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục xác nhận nhập học năm 2021 tại Trường ĐH Kinh tế tài chính TP HCM
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP HCM, cho biết kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 cơ bản sẽ giữ ổn định so với năm 2021. Dự kiến, kỳ thi này chỉ được điều chỉnh một số nội dung về cách thức tổ chức để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh.
Theo TS Chính, kế hoạch ban đầu khi tổ chức kỳ thi này là mỗi năm sẽ có 2 đợt: đợt 1 cuối tháng 3 và đợt 2 sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, trong năm tới, ngày tổ chức kỳ thi đợt thứ 2 có thể sẽ được điều chỉnh cho phù hợp hơn.
“Theo ý kiến đề xuất của thí sinh và các trường ĐH phối hợp tổ chức, kỳ thi đợt 2 sẽ được tổ chức trước hoặc sau nhưng không quá sát với thời gian diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT. ĐH Quốc gia TP HCM sẽ tiếp thu và tiếp tục thảo luận để chốt thời gian phù hợp” - ông Chính cho biết.
Bên cạnh đó, ĐH Quốc gia TP HCM có khả năng sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 tại nhiều địa phương hơn để hạn chế việc thí sinh phải di chuyển xa.
Tránh xáo trộn
Với nhiều trường ĐH khác, kỳ tuyển sinh năm 2022 vẫn duy trì ổn định như năm 2021. TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho rằng để xây dựng phương thức xét tuyển dựa trên những đánh giá toàn diện cần sự chuẩn bị nhiều năm cùng sự đầu tư lớn đồng thời tránh sự cáo trộn lớn trong tuyển sinh.
Đại diện Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết mùa tuyển sinh 2022, phương thức tuyển sinh của trường giữ ổn định so với năm trước. "Mọi sự thay đổi cần có thời gian để thí sinh không bị "sốc". Tinh thần của chúng tôi là tuyển sinh phải bảo đảm quyền lợi của thí sinh" - PGS-TS Phạm Huyền, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay.
Tương tự, ĐHQG Hà Nội cũng dự kiến các phương thức tuyển sinh năm 2022 vẫn giữ ổn định như năm 2021, đồng thời ĐHQG Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển những thí sinh có năng lực tốt vào các ngành, chương trình đào tạo tài năng, tiên tiến, chất lượng cao và các ngành đào tạo đang thu hút nhiều thí sinh.
Dự kiến, ĐHQG Hà Nội sẽ tổ chức 7 - 8 đợt thi đánh giá năng lực, khoảng từ tháng 2 đến tháng 8/2022 và các trường ĐH khác có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển.
Đại diện nhiều trường ĐH khác cho rằng mọi thay đổi nếu có vẫn phải bảo đảm có lộ trình, không gây sốc cho thí sinh và xã hội. Việc điều chỉnh phương án tuyển sinh của các trường ĐH sẽ tác động ngược lại quá trình dạy và học nên cần có sự chuẩn bị nhiều năm từ phía trường ĐH cũng như trường THPT.