• Thứ Hai, 24 tháng 12, 2018
  • 18:00 GMT +7

Uber hóa giáo dục đại học

Trong tháng 12/2018, Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM bắt đầu triển khai ý tưởng giáo dục đại học sẻ chia với việc ký kết công nhận tín chỉ và chia sẻ nguồn lực với hai trường là đại học Kinh tế TP HCM, đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM - nhận định: giáo dục đại học sẻ chia hay “Uber hóa giáo dục đại học” là xu thế cần thiết trong giai đoạn tự chủ và đáp ứng của thời đại số.

PGS Đỗ Văn Dũng

 
* Phóng viên: Cụ thể việc ký kết công nhận tín chỉ và chia sẻ nguồn lực với hai trường đại học (ĐH) Kinh tế TP HCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch là như thế nào, thưa ông?
 
- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Theo ký kết này, trước mắt sinh viên (SV) ngành quản lý công nghiệp khóa 2019 của trường có thể đăng ký học các môn trong chương trình đào tạo tại Trường ĐH Kinh tế TP HCM. Trong những năm tới, các môn học về kinh tế và quản lý các chương trình đào tạo khối ngành kỹ thuật công nghệ, SV của trường sẽ được phép học ở Trường ĐH Kinh tế TP HCM và ngược lại nếu Trường ĐH Kinh tế TP HCM mở các ngành theo hướng xuyên ngành với sự kết hợp giữa hai lĩnh vực kinh tế và công nghệ thì SV Trường ĐH Kinh tế TP HCM cũng được phép học tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM.
 
Trường cũng đã ký liên kết với Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch trong đào tạo các ngành: kỹ thuật y sinh, chẩn đoán hình ảnh...; công nhận tín chỉ, sử dụng chung phòng thí nghiệm, học liệu số và nghiên cứu khoa học trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo và big data trong lĩnh vực y sinh.
 
* Vậy xuất phát từ đâu nhà trường lại có ý tưởng về giáo dục ĐH sẻ chia?
 
- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các nền kinh tế thế giới đang dịch chuyển nhanh theo hướng các dịch vụ dùng chung để tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực, đặc biệt là tài sản trong đó có tài sản hữu hình và cả thời gian của con người. Uber, Grab, Lyft (dùng chung xe), Airbnb (dùng chung nhà)... là những minh chứng rõ ràng về xu thế nói trên. Cách đây không lâu, tạp chí Forbes đã kêu gọi “Uber hóa” nền kinh tế. Chính vì vậy, giáo dục ĐH cũng nên đi theo xu thế của thời đại để mang lại lợi ích về kinh tế thông qua tiết kiệm chi phí và thời gian, nhất là trong bối cảnh tự chủ với mức học phí sẽ gia tăng và nhà nước giảm dần bao cấp cho hệ thống giáo dục ĐH.
 
* Với sự liên kết này, SV cũng như nhà trường đạt được những lợi ích gì? 
 
- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Đa số các cơ sở giáo dục ĐH ở nước ta vẫn chưa nhìn thấy những áp lực tạo ra bởi những tiến bộ về công nghệ và biến đổi xã hội trong kỷ nguyên số và chi phí giáo dục ĐH ngày càng tăng. Áp dụng giáo dục ĐH sẻ chia sẽ giúp các trường ĐH nhanh chóng thích ứng với kỷ nguyên số, phát triển mạnh mẽ nhờ giảm chi phí đầu tư, giảm chi phí đào tạo dẫn đến giảm học phí, tăng sức cạnh tranh của các trường và cạnh tranh lẫn nhau giữa các giảng viên (do áp lực không có việc làm nếu không chịu thay đổi, hệt như Grab đang cạnh tranh với taxi truyền thống). Ngoài ra, giáo dục ĐH sẻ chia là vì người học, bởi nếu các trường công nhận tín chỉ lẫn nhau, SV có thể học bất cứ trường nào, giúp giảm chi phí và thời gian của người học, giảm áp lực lên hệ thống giao thông đô thị... Ví dụ, một SV ngụ ở các quận nội thành có thể học các môn cơ bản, tiếng Anh, kinh tế... ở các trường ĐH nội thành, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và giảm áp lực lên hệ thống giao thông đô thị... 
 
Ngoài ra, các trường ĐH sẽ giảm chi phí đáng kể khi sử dụng chung học liệu số, giảng đường, phòng thí nghiệm... cho việc hợp tác, sẻ chia trong đào tạo, nghiên cứu khoa học.
 
* Hiện nay, việc công nhận tín chỉ giữa các trường rất hạn chế, theo ông, khi triển khai giáo dục sẻ chia trên diện rộng sẽ có những khó khăn gì? 
 
- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Ngoài các ưu điểm nên trên, triển khai giáo dục ĐH sẻ chia sẽ gặp nhiều trở ngại và thách thức. Một là các trường chậm thay đổi tư duy. Hai là giảng viên sợ áp lực cạnh tranh từ các trường khác khiến giảm thu nhập. Ba là mức độ tự chủ của các trường khác nhau dẫn đến mức học phí khác nhau. Bốn là mức độ liên thông giữa các chương trình đào tạo của các trường thấp khiến việc xác định các môn học tương đương sẽ khó khăn. Năm là cơ sở vật chất, trình độ giảng viên của các trường vẫn còn sự chênh lệch khá lớn.
 
* Còn riêng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, sắp tới liệu trường có mở rộng ý tưởng này?
 
- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Ngoài hai trường ĐH Kinh tế TP HCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, tới đây, trường sẽ tiếp tục ký kết theo hướng sẻ chia với các trường ĐH Y Dược TP HCM, ĐH Sư phạm TP HCM, ĐH Công nghệ TP HCM...
 
Theo NLĐO

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top