Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho biết năm 2021, trường tuyển sinh thêm 6 ngành mới, trong đó có 2 ngành mới thuộc nhóm ngành kinh tế là quản trị kinh doanh thực phẩm và kinh doanh thời trang dệt may.
Trường vẫn giữ 4 phương thức tuyển sinh: xét học bạ THPT (đã bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 1/3), xét tuyển theo điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP HCM và xét tuyển thẳng.
PV: Khối ngành kinh tế thường được thí sinh lựa chọn nhiều, nếu có học lực khá thì có cơ hội không? Những ngành mới thì cơ hội trúng tuyển có cao không?
Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa: Thống kê qua các năm cho thấy mức điểm chuẩn khối ngành kinh tế của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM từ 18-22 điểm, nên với học lực trung bình khá, các em vẫn có thể đăng ký xét tuyển. Nhưng quan trọng là các em chọn ngành học theo đam mê và sau đó là chọn trường.
Năm nay trường có thêm ngành kinh doanh thực phẩm để vừa đáp ứng nhu cầu của xã hội, vừa đáp ứng mong muốn của sinh viên.
Mọi người thường nghĩ Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM chỉ đào tạo các lĩnh vực công nghiệp thực phẩm nhưng thực tế thì trường đào tạo đa ngành. Trong những năm vừa qua, khối ngành kinh tế thuộc nhóm thứ 2 sau khối ngành về thực phẩm của trường, số lượng thí sinh đăng ký cũng tăng qua các năm.
Với Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM, nhóm ngành kinh tế thì 98% sinh viên ra trường có việc làm. Trong quá trình đào tạo, ngoài học kiến thức thì trường còn tăng cường các hoạt động kỹ năng, trải nghiệm doanh nghiệp (học kỳ doanh nghiệp 6 tháng, có lương tại doanh nghiệp và đa phần đều được nhận làm luôn tại doanh nghiệp sau khi hoàn thành xong học kỳ 6 tháng), nên đây cũng là một vài lợi thế cho sinh viên theo học khối ngành này.
Trung tâm mô phỏng khối ngành kinh tế tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM
Trong những năm qua, trường cũng đầu tư rất nhiều cơ sở vật chất cho khối ngành này, đặc biệt là trung tâm mô phỏng về các sàn giao dịch, hệ thống phần mềm, mời chuyên gia để trực tiếp hướng dẫn các em tại trung tâm mô phỏng.
Học ngành Quản trị kinh doanh hay ngành kinh doanh quốc tế?
Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa: “Nên học Quản trị kinh doanh hay Kinh doanh quốc tế?” là câu hỏi của nhiều bạn học sinh lớp 12 khi phân vân lựa chọn giữa hai ngành. Ngành quản trị kinh doanh là một ngành học đa lĩnh vực thuộc phạm trù doanh nghiệp. Em sẽ học cách để điều hành một công ty nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh. Do vậy em sẽ học nhiều mảng: Marketing, bán hàng, nhân sự, tài chính, logistics,… Bởi khi em muốn quản lý một thứ gì đó, em cần phải hiểu rõ mọi thứ liên quan đến nó. Còn ngành Kinh doanh quốc tế là một ngành học chuyên sâu về kinh doanh, nhưng không dừng lại ở kinh doanh trong nước mà vươn ra ngoài quốc tế. Do vậy, em sẽ học cách thấu hiểu khách hàng, tiếp cận thị trường quốc tế và cách vận chuyển hàng từ Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Có sự khác nhau rất lớn giữa hai ngành này. Một ngành định hướng người học trở thành một giám đốc phụ trách một dự án. Trong khi một ngành định hướng sinh viên trở thành chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh – đầu tư Quốc tế.
Về lý thuyết là vậy, nhưng để đạt được những vị trí trên, sinh viên cần phải nỗ lực hết mình. Các em cần liên tục thực hành trong 4 năm học để áp dung ngay những kiến thức và thực tế. Điều này rất ít trường đại học làm được. Khi làm việc các em cần theo nấc thang từ thấp đến cao. Mỗi nấc thang có nhiệm vụ công việc cụ thể.
Thực tế cho thấy, học Quản trị kinh doanh ra trường đa số sinh viên làm việc tại một trong hai phòng sau: Phòng Kinh doanh và Marketing. Bạn biết không hai phòng này là hai bộ phận cực kỳ quan trọng, được chủ doanh nghiệp chú trọng hơn cả. Bởi nó đem lại doanh thu trực tiếp cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có phòng Kinh doanh và Marketing mạnh, đôi ngũ có kinh nghiệm sẽ đem lại doanh thu lớn. Do vậy, nhu cầu tuyển dụng của ngành Quản trị kinh doanh là rất lớn.
Có lẽ các em cũng biết, thế giới chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc kinh doanh không chỉ dừng lại trong nước mà hướng tới trên toàn thế giới. Do vậy, nhu cầu việc làm của ngành Kinh doanh quốc tế tương đối cao tại các doanh nghiệp bán hàng quốc tế hiện nay.
“Nên học ngành nào trong hai ngành này. Hay giữa Quản trị kinh doanh và Kinh doanh quốc tế cái nào tốt hơn ?”. Đây là hai câu hỏi mà chỉ có các em mới có thể trả lời được. Vì mọi thứ đều là tương đối. Với người này sẽ tốt và nên học nhưng với người kia thì ngược lại. Do vậy chỉ có các em mới đưa ra câu trả lời tốt nhất. Cô chỉ giúp các em hiểu rằng: “Các em nên học ngành mà các em thấy tính cách, sở thích của mình phù hợp với ngành đó”.
Học khối ngành kinh tế có được hưởng những chính sách hỗ trợ như những ngành Kỹ thuật và công nghệ hay không?
Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa: Quan tâm đặc biệt đến đời sống sinh viên thông qua các chương trình học bổng khuyến học, đây là hoạt động luôn được Ban Giám Hiệu và lãnh đạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM (HUFI) duy trì hàng năm. Năm học 2019 – 2020, với nhiều đổi mới trong Quy định chế độ, chính sách dành cho sinh viên HUFI, nhà Trường chi hơn 20 tỷ đồng cho học bổng và các khoản hỗ trợ sinh viên. Khi theo học tại HUFI, sinh viên được tiếp cận với nhiều học bổng hấp dẫn như học bổng khuyến khích học tập; học bổng tiếp sức đến trường cho tân sinh viên; học bổng sinh viên vượt khó, hoàn cảnh khó khăn; đặc biệt là học bổng Thủ khoa, Á khoa đầu vào mang đến nhiều cơ hội học tập cho các bạn sinh viên khối ngành kinh tế và kỹ thuật công nghệ. Đây không chỉ là sự khích lệ đối với những cố gắng của các cá nhân và tập thể sinh viên HUFI, là giải pháp hỗ trợ tài chính mà học bổng HUFI còn truyền tải thông điệp mang tính nhân văn sâu sắc, giúp sinh viên khẳng định giá trị bản thân, không ngừng phấn đấu hoàn thiện bản thân trong học tập và cuộc sống.