• Thứ Sáu, 03 tháng 03, 2023
  • 14:08 GMT +7

Tuyển sinh 2023: Áp dụng quy định mới về điểm ưu tiên

Những thí sinh có tổng điểm từ 22,5 trở lên, điểm ưu tiên sẽ giảm dần. Thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực trong 2 năm là năm tốt nghiệp THPT và 1 năm kế tiếp.

PGS-TS Nguyễn Thu Thủy

PGS-TS Nguyễn Thu Thủy

Phát biểu khai mạc Hội nghị tuyển sinh năm 2023 tổ chức ngày 3/3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Tuyển sinh luôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng năm của toàn ngành và toàn xã hội quan tâm. Việc tuyển sinh ĐH, CĐ tác động trực tiếp, hệ trọng tới gần 1 triệu học sinh lớp 12 mỗi năm và 2 triệu học sinh lớp 10-11; cùng với từng đó số gia đình, chiếm ít nhất khoảng 5% dân số. Kết quả tuyển sinh cũng là một chỉ số quan trọng về việc phát triển bền vững của một trường đại học. Tuyển sinh tốt cũng sẽ tạo ra hiệu quả hoạt động tốt cho nhà trường và từ đó có cơ hội nâng cao chất lượng đào tạo, mang lại giá trị, lợi ích cho người học, xã hội.

Thông tin đưa ra tại hội nghị cho biết mùa tuyển sinh năm nay sẽ chính thức áp dụng quy định mới về điểm ưu tiên. Những thí sinh có tổng điểm từ 22,5 trở lên, điểm ưu tiên sẽ giảm dần. Thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực trong 2 năm là năm tốt nghiệp THPT và 1 năm kế tiếp. Nếu đến năm thứ 3, thí sinh dự thi thì không được điểm ưu tiên khu vực nữa.

Cụ thể, quy chế tuyển sinh ĐH mà Bộ GD-ĐT ban hành tháng 6/2022, mức điểm ưu tiên theo khu vực vẫn như trước đây quy định mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn là 0,5, khu vực 2 là 0,25; khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên. 

Mức điểm ưu tiên áp dụng cho nhóm đối tượng ưu tiên 1 (gồm các đối tượng 01 đến 04) là 2,0 điểm và cho nhóm đối tượng ưu tiên 2 (gồm các đối tượng 05 đến 07) là 1,0 điểm.

Nhưng từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau: 

Điểm ưu tiên = [(30 - tổng điểm đạt được)/7,5] x mức điểm ưu tiên đã được quy định ở trên.

Tại hội nghị tuyển sinh, Bộ GD-ĐT thông báo sẽ rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1. Toàn bộ quy trình đăng ký dự tuyển, nộp lệ phí, xác nhận nhập học đều thực hiện trực tuyến trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Năm 2022, tỷ lệ thí sinh thi đỗ tốt nghiệp và nhập học là 83,39%.

Trong 3 năm liền, 4 lĩnh vực tuyển sinh kém nhất là:

- Nông lâm nghiệp và thủy sản

- Khoa học sự sống

- Khoa học tự nhiên

- Dịch vụ xã hội

Đứng đầu bảng về độ hấp dẫn thí sinh là các ngành:

- Kinh doanh và quản lý

- Máy tính và công nghệ thông tin

- Công nghệ kỹ thuật

Bảng xếp hạng này là căn cứ mà thí sinh và các nhà trường phải tính toán kỹ cho mùa tuyển sinh năm nay.

Đề cập đến một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong mùa tuyển sinh đại học năm trước, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho biết một số cơ sở đào tạo đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển; một số phương thức xét tuyển chưa hiệu quả, số thí sinh nhập học rất ít so với chỉ tiêu cũng như trong tổng số thí sinh nhập học (dưới 1%). 

Vẫn còn một số thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển; gặp một số khó khăn trong truy nhập Hệ thống nộp lệ phí trực tuyến. Một số cơ sở đào tạo xét tuyển nhưng không báo cáo đầy đủ kết quả lên Hệ thống theo quy định. Việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong xét tuyển ở một số nơi còn chưa kịp thời gây bức xúc cho thí sinh và xã hội…

Ngân Hà/nguồn Bộ GD-ĐT

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top