• Thứ Năm, 13 tháng 05, 2021
  • 22:49 GMT +7

Tuyển sinh ĐH 2021: Cuộc cạnh tranh suất vào ĐH sẽ “khốc liệt”

Minh Hải (ghi)
Nguồn: Không xác định
Số thi sinh dự thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển ĐH tăng mạnh trong khi chỉ tiêu tuyển sinh hầu như không biến động nhiều. Số liệu trên cho thấy cuộc cạnh tranh suất vào ĐH sẽ khốc liệt hơn năm 2020

 Năm 2021, theo số liệu do Bộ Giáo dục – Đào tạo công bố, đến 17h00, ngày 11/5/2021, cả nước có 1.014.972 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông (so với 2020 là 900.152 thí sinh). Trong đó, có 792.616 thí sinh dự thi để xét tuyển đại học (chiếm 78,09%). Con số này của năm 2020 chỉ là 643.122 em, tăng hơn 150 ngàn thí sính. Như vậy, áp lực cạnh tranh trong xét tuyển đại học năm nay sẽ cao hơn nhiều so với năm 2020 vì thực tế chỉ tiêu tuyển sinh đại học không có nhiều biến động.

Cùng trao đổi với Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP HCM về việc đăng ký xét tuyển ĐH 2021.

PV: Xin thầy cho biết, cụ thể năm 2021 thí sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký xét tuyển (ĐKXT) như thế nào?

Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ: Theo Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng sư phạm mầm non năm nay, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT ba lần trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến trong khoảng thời gian 10 ngày từ 7/8/2021 đến 17h ngày 17/8/2021.

- Thí sinh điều chỉnh số lượng nguyện vọng không lớn hơn số nguyện vọng đã đăng ký ban đầu, sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện việc điều chỉnh;

- Trường hợp thí sinh điều chỉnh số lượng nguyện vọng lớn hơn số nguyện vọng đã đăng ký ban đầu hoặc điều chỉnh sai sót các nội dung liên quan đến đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên thì phải khai chính xác thông tin trên phụ lục 2 và nộp tại điểm thu nhận hồ sơ để bổ sung kinh phí tương đương với số lượng nguyện vọng tăng so với số nguyện vọng đã đăng ký ban đầu, sau đó sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện việc điều chỉnh sau khi cán bộ điểm thu nhận hồ sơ cập nhật thông tin bổ sung số nguyện vọng của thí sinh trên Cổng thông tin tuyển sinh.

Thạc sĩ Trương Tiến SĩThạc sĩ Trương Tiến Sĩ

PV: Như vậy khi thực hiện điều chỉnh các nguyện vọng ĐKXT, các em chỉ được điều chỉnh ngành, trường trong giới hạn số nguyện vọng đã đăng ký hay được thay đổi số nguyện vọng đăng ký?

Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ: Rất nhiều em không nắm quy định này. Như tôi đã trình bày ở trên, các em được quyền thay đổi số nguyện vọng ĐKXT (tăng hoặc giảm) và cả thay đổi ngành, trường mà các em đã đăng ký trước đó. Tuy nhiên, để thực hiện quyền này thì các em phải tuân thủ quy định. Nếu chỉ điều chỉnh ngành, trường ĐKXT trong giới hạn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu thì các em có thể thực hiện điều chỉnh ngay. Trường hợp thay đổi tăng số nguyện vọng đăng ký thì các em sẽ phải làm động tác khai bổ sung thông tin trên phụ lục 2 và nộp tại điểm thu nhận hồ sơ để để bổ sung kinh phí tương đương với số lượng nguyện vọng tăng so với số nguyện vọng đã đăng ký ban đầu, sau đó sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện việc điều chỉnh sau khi cán bộ điểm thu nhận hồ sơ cập nhật thông tin bổ sung số nguyện vọng của thí sinh trên Cổng thông tin tuyển sinh.

PV: Theo thầy, thí sinh nên đăng ký bao nhiêu nguyện vọng là hợp lý?

Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ: Về số nguyện vọng ĐKXT, nhiều chuyên gia cho rằng không nên đăng ký quá nhiều. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác tuyển sinh cho thấy nếu thí sinh đăng ký ít nguyện vọng (3 đến 5 nguyện vọng) và không biết cách chọn nguyện vọng dự phòng thì nguy cơ không trúng tuyển là rất cao. Hàng năm, sau kỳ xét tuyển đợt 1 kết thúc, trên phạm vi cả nước, có hàng ngàn thí sinh có điểm tổ hợp xét tuyển rất cao (trên 22 điểm) nhưng vẫn không trúng tuyển và buộc phải tham gia đăng ký xét tuyển các đợt tiếp theo. Có nhiều em có điểm tổ hợp lên tới 24, 25đ nhưng không trúng tuyển đại học ngay đợt 1 và cơ hội chọn được ngành học phù hợp, trường phù hợp sẽ vô cùng khó khăn cho nhưng em rơi vào hoàn cảnh này.

Theo tôi, các em nên đăng ký từ 9 đến 15 nguyện vọng ĐKXT và nên chia làm 3 nhóm nguyện vọng ĐKXT, mỗi nhóm từ 3 đến 5 nguyện vọng.

- Nhóm 1: Là nhóm nguyện vọng mà bản thân các em yêu thích nhất. Các nguyện vọng xếp thứ tự ưu tiên theo mức độ yêu thích giảm dần.

- Nhóm 2: Là nhóm các nguyện vọng mà bản thân các em cũng yêu thích. Mức độ yêu thích không bằng nhóm 1 nhưng có cơ hội trúng tuyển cao. Thường các em nên xác định sao cho cơ hội trúng tuyển ở nhóm này là tốt nhất, nếu không trúng tuyển được ở nhóm 1.

- Nhóm 3: Là nhóm các nguyện vọng dự phòng. Cơ hội trúng tuyển là chắc chắn 100%. Để nếu như, trong trường hợp xấu nhất, không trúng tuyển bất kỳ nguyện vọng nào thuộc nhóm 1, 2 thì các em cũng trúng tuyển nguyện vọng thuộc nhóm 3 để học.

PV: Theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, việc xác định trúng tuyển được quy định như thế nào?

Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ: Đối với từng trường/ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký. Cụ thể, nếu thí sinh ĐKXT vào nhiều trường/ngành thì việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng; thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.

Ví dụ: thí sinh A có điểm xét tuyển 21 điểm và đăng ký NV1 vào trường X, NV2 vào trường Y; thí sinh B có điểm xét tuyển 23 điểm và đăng ký NV1 vào trường Y, NV2 vào trường Z; thí sinh C có điểm xét tuyển 18 điểm và đăng ký NV1 vào trường X, NV2 vào trường Y và NV3 vào trường Z. Sau khi các trường công bố điểm chuẩn: trường X: 23 điểm, trường Y: 21 điểm, trường Z: 18 điểm thì kết quả trúng tuyển được xác định như sau:

- Thí sinh A (21 điểm) rớt NV1 nhưng vẫn đậu NV2 vào trường Y dù chỉ là NV2

- Thí sinh B (23 điểm) trúng tuyển ngay NV1 vào trường Y.

- Thí sinh C (18 điểm) rớt NV1, NV2 nhưng vẫn trúng tuyển NV3 vào trường Z.

Như vậy, với nguyên tắc xác định trúng tuyển của quy chế hiện hành, ngay cả với những trường/ ngành mà các em yêu thích nhất nhưng cơ hội trúng tuyển thấp, các em cũng nên mạnh dạn đưa vào danh mục ĐKXT và xếp thứ tự ưu tiên cao nhất (nhóm 1 như gợi ý ở trên).

PV: Thầy có lời khuyên nào cho thí sinh trong các đợt điều chỉnh ĐKXT không?

Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ: Như những gợi ý ở trên, tôi mong các em nghiên cứu kỹ quy chế xét tuyển dựa trên điểm thi THPT, tìm hiểu đầy đủ thông tin về các trường và điểm chuẩn ở các năm gần nhất của các ngành đào tạo mà mình dự kiến đăng ký xét tuyển để có được kết quả xét tuyển như ý nhất.

Minh Hải (ghi)

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top