PGS- TS Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD- ĐT, ngày 9/4 cho biết cơ quan này đang theo sát thực tiễn dạy học để điều chỉnh các hướng dẫn phù hợp. Nhưng tinh thần là không dừng năm học ở thời điểm này, khi dịch COVID-19 vẫn đang khiến học sinh không thể đến trường.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, nếu tính tới mốc 15/4 thì học sinh cả nước đã không đến trường 10 tuần. Trong thời gian này, có trường vẫn triển khai được dạy học trực tuyến hoặc tổ chức ôn luyện, giải đáp kiến thức bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhưng có trường chưa triển khai được.
Vì thế khi tính toán tinh giản nội dung dạy học học kỳ 2, Bộ GD- ĐT lấy thời điểm bắt đầu học bài mới qua Internet, truyền hình từ ngày 15/4 để tính toán thời gian còn lại thực hiện nốt chương trình năm học.
Thời gian kết thúc năm học trước ngày 15/7 như điều chỉnh được công bố thì từ 15/4 đến 15/7, các trường có 13 tuần dạy học theo hình thức qua Internet, truyền hình và khi học sinh trở lại trường, đủ để hoàn thành chương trình đã tinh giản tương ứng với khoảng 4-5 tuần dạy học.
"Từ ngày 12/3, Bộ GD- ĐT đã đề nghị tăng cường dạy học qua Internet và truyền hình, đồng thời có hướng dẫn để dạy học và công nhận kết quả dạy học theo các hình thức này.
Tuy nhiên, các trường cần có thời gian khoảng 3-4 tuần vừa qua để chuẩn bị, thử nghiệm, điều chỉnh kế hoạch. Vì thế, có thể lấy mốc 15/4 để tính thời gian chính thức các nhà trường tổ chức dạy học chương trình học kỳ 2 bằng hình thức trực tuyến và qua truyền hình" - ông Nguyễn Xuân Thành cho biết.
Theo một số sở GD- ĐT, có những trường gặp khó khăn do không có mạng, đường truyền kém, giáo viên, học sinh không có máy tính, thậm chí nguồn điện không ổn định. Đây cũng chính là lý do khiến một số ý kiến cho rằng Bộ GD- ĐT nên kết thúc năm học ở học kỳ 1. Phần học kỳ 2 chuyển sang năm học sau để cả nước thống nhất, học sinh công bằng như nhau.
Trao đổi về quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng không thể vì những nơi khó khăn mà bắt những trường có đủ điều kiện dạy học tốt phải ngừng lại để chờ. Bởi đối với giáo dục phổ thông, việc ngừng dạy học kéo dài gây nên nhiều hệ lụy.
Theo ông Thành, đây là thực tiễn đòi hỏi các địa phương, các trường phải cố gắng khắc phục. Đúng là có những nơi điều kiện dạy học trực tuyến chưa tốt.
Về phía Bộ GD- ĐT đã phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông để cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin tới các nhà trường. Các địa phương cũng cần chia sẻ để hỗ trợ các nhà trường, giáo viên, học sinh khắc phục khó khăn. Nơi không thể dạy trực tuyến thì học qua truyền hình.
Hiện nay ở một số địa phương khó khăn, họ áp dụng nhiều hình thức linh hoạt để dạy học, để giao nhiệm vụ, giải đáp, kiểm soát việc tự học của học sinh, trong đó có sự hỗ trợ của cha mẹ học sinh, Đoàn thanh niên và các tình nguyện viên tại địa phương…