Trên Báo Lao động, ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết qua tìm hiểu thực tế, có rất nhiều giáo viên cảm thấy vất vả và áp lực với việc hoàn thiện chứng chỉ ngoại ngữ và tin học. Đôi khi các chứng chỉ này còn gây cho giáo viên nhiều phiền nhiễu và tạo ra một số kẽ hở như giáo viên không học và thi thật mà sở hữu chứng chỉ bằng cách “chạy chọt” tiêu cực. Vì vậy, gây ra hiện tượng giáo viên vì những chứng chỉ này mà ảnh hưởng đến việc phấn đấu trong quá trình giảng dạy.
Cục Nhà giáo là đơn vị tham mưu giúp Bộ trưởng trong vấn đề ban hành các tiêu chuẩn quy định nhà giáo. Vì vậy khi Luật Viên chức sửa đổi ban hành, Cục Nhà giáo tham mưu, xây dựng một chùm thông tư nhằm sửa đổi, bổ sung các thông tư quy định mã số tiêu chuẩn chức danh, nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông (Thông tư 20,21, 22, 23).
Về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học đối với giáo viên trong các thông tư này tới đây sẽ được gỡ bỏ. Bộ Nội vụ đã đồng ý tại công văn số 4853 ngày 16.9.2020 và công văn số 5646 ngày 27.10.2020. Bộ Nội vụ thống nhất với ý kiến của Bộ GDĐT, đồng ý với phương án không quy định giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong quy định tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên.
Bởi vì, tại Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên có 3 điều là: Nhiệm vụ của giáo viên, tiêu chuẩn trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tiêu chuẩn năng lực chuyên môn nghiệp vụ.
Như vậy, ở tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên hiện chỉ quy định trình độ chuẩn của giáo viên theo Luật Giáo dục 2019. Đồng nghĩa với việc, giáo viên dạy ngoại ngữ không nhất thiết phải có ngoại ngữ 2, giáo viên giảng dạy tại các vùng dân tộc thiểu số không bắt buộc phải có chứng chỉ tiếng dân tộc.
Sau khi loại bỏ yêu cầu về chứng chỉ tin học và ngoại ngữ đối với giáo viên, Bộ sẽ ban hành một chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nhằm giúp giáo viên cập nhật các kiến thức cơ bản.
Bộ sẽ đưa toàn bộ chương trình đào tạo ngoại ngữ, tin học vào chương trình đào tạo và chương trình bồi dưỡng giáo viên.
Như vậy đồng nghĩa với việc, sau khi tốt nghiệp, theo trình độ chuẩn của các chuyên ngành sư phạm, giáo viên không cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học này nhưng vẫn có trình độ chuyên môn để đáp ứng cho công việc giảng dạy. Bởi hiện nay, các trường sư phạm đã và đang đào tạo các chương trình này rất hiệu quả.
Hơn nữa, không có chứng chỉ, giáo viên vẫn trau dồi và bổ sung kiến thức về năng lực tin học và ngoại ngữ để phục vụ cho quá trình giảng dạy của mình. Vì vậy, việc yêu cầu chứng chỉ tin học và ngoại ngữ chỉ mang tính hình thức và đôi khi là thừa với các thầy cô.
Hiện tại, toàn bộ dự thảo, thông tư của Bộ GDĐT quy định mã số tiêu chuẩn chức danh, nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông đã hoàn thiện, được Vụ pháp chế của Bộ thẩm định và sẽ sớm được trình xin ý kiến của Thứ trưởng, Bộ trưởng GDĐT và sẽ được thực hiện ngay sau khi thông tư có hiệu lực thi hành (sau 45 ngày kể từ ngày ký).
Như vậy, chỉ trong tuần này hoặc tuần sau, thông tư sẽ được kí ban hành. Riêng quy định về ngoại ngữ, tin học chắc chắn sẽ bỏ, khẳng định hoàn thiện trong tháng 12.
Giáo viên hoàn toàn có thể yên tâm về thông tin xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học. Trong thời gian tới, người tuyển dụng sẽ không phải căn cứ vào chứng chỉ tin học và ngoại ngữ, họ sẽ căn cứ vào bằng cử nhân để đánh giá trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hoặc bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp khác.
Tuy nhiên, tùy vào từng địa phương, từng đơn vị tuyển dụng, nếu yêu cầu thêm về trình độ ngoại ngữ và tin học thì người được tuyển dụng phải đáp ứng được yêu cầu, nhưng sẽ thực chất hơn chứ không phải bằng cách yêu cầu giáo viên phải có đủ chứng chỉ.