• Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2022
  • 17:59 GMT +7

Cần giải bài toán chất lượng đội ngũ, lương giáo viên mầm non

Hà An/nguồn Bộ GD-ĐT
Nguồn: Không xác định
10 năm triển khai Chương trình Giáo dục mầm non, ngành giáo dục đã đạt được những kết quả quan trọng. Song cần rút kinh nghiệm, đề xuất quan điểm để xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới.

Lương giáo viên mầm non còn thấp chưa tương xứng với công việc

Lương giáo viên mầm non còn thấp chưa tương xứng với công việc

Ngày 17/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và quốc gia xây dựng chương trình giáo dục mầm non”. Hội thảo nhằm tạo diễn đàn trao đổi và tiếp thu bài học kinh nghiệm quốc gia và quốc tế về xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới ở Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn và Quyền Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo. Hội thảo có sự tham dự của đại diện một số Bộ, ngành; đại diện Ngân hàng thế giới; đại diện các đơn vị thuộc Bộ GD-ĐT; đại diện một số Sở GD-ĐT và cơ sở đào tạo giáo viên mầm non; đại diện Ban Chỉ đạo, Tổ thư ký, Ban soạn thảo chương trình giáo dục mầm non, các chuyên gia nghiên cứu, các nhà khoa học.

Tại Hội thảo, đại diện Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT) sẽ có báo cáo đánh giá 10 năm phát triển giáo dục mầm non, 10 năm thực hiện chương trình giáo dục mầm non Việt Nam, định hướng xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới; đại diện chuyên gia quốc tế đến từ Ngân hàng thế giới sẽ trao đổi, báo cáo về kinh nghiệm xây dựng Chương trình giáo dục mầm non của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ tập trung thảo luận, trao đổi lãm rõ thêm các nội dung được trình bày qua tham luận, cung cấp thêm ý kiến từ nhiều góc nhìn khác nhau, phân tích, góp ý bổ sung, điều chỉnh quan điểm/định hướng xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới. Các giải pháp nhằm phát huy nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ dưới 6 tuổi nói chung và xây dựng thành công Chương trình giáo dục mầm non mới nói riêng, cũng sẽ được đề cập tại Hội thảo này. Hội thảo là một trong những hoạt động quan trọng để chuẩn bị những cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới.

Trước đó, từ năm 2020 Bộ GD-ĐT đã tổ chức khảo sát, đánh giá 10 năm thực hiện Chương trình giáo dục mầm non; cuối năm 2021, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội thảo với chuyên gia quốc tế và chuyên gia trong nước về việc đề xuất quan điểm xây dựng chương trình giáo dục mầm non và Hội thảo với cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đại diện 63 tỉnh/thành phố để đánh giá việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non; Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã có đánh giá, phân tích ngành đối với giáo dục mầm non qua đó nhìn nhận, đánh giá chương trình giáo dục mầm non hiện hành và rút kinh nghiệm, đề xuất quan điểm xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới.

Chất lượng đội ngũ, lương giáo viên thấp

Chương trình Giáo dục Mầm non được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký quyết định ban hành kèm theo Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25/7/2009. Sau hơn 10 năm tổ chức thực hiện, đến nay Chương trình giáo dục mầm non đã được thực hiện ở 15.461 cơ sở (đạt 100%), trong đó có 5.255.889 trẻ (99%) học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục mầm non.

Chương trình giáo dục mầm non đã thể hiện tính ưu việt, khoa học, phù hợp với thực tiễn và góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục mầm non: Chương trình thể hiện tính chất của Chương trình khung quốc gia, tạo cơ hội cho cơ sở giáo dục và giáo viên chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong triển khai thực hiện; Chương trình hướng đến sự phát triển toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm, phương châm giáo dục “học bằng chơi, bằng trải nghiệm” của trẻ, tạo điều kiện đảm bảo cho trẻ phát triển liên tục, đáp ứng sự đa dạng của các vùng miền, các đối tượng trẻ.

Năm học 2019-2020, toàn quốc huy động 5.795.002 trẻ em đến trường để thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non, tăng 1.890.293 trẻ so với năm học 2010-2011; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 90,1%, tăng 7,1%. Tỷ lệ trẻ nhà trẻ học 2 buổi ngày là 99,8%, tăng 13,2%; trẻ mẫu giáo học 2 buổi/ngày đạt 98,9%, tăng 26,1%.

Năm học 2019-2020, toàn quốc có 364.776 giáo viên mầm non, tăng 149.751 giáo viên; tỷ lệ giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng sư phạm trở lên tăng 34,8% so với năm học 2010-2011.

Năm học 2019-2020 toàn quốc có 201.605 phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, tăng 77.353 phòng so với năm học 2010-2011; trong đó, phòng kiên cố tăng 89.985 phòng; phòng học bán kiên cố giảm 15,3%; phòng học tạm giảm 8,7%; phòng học nhờ, mượn giảm 11.584 phòng so với năm học 2010-2011.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là chất lượng đội ngũ và công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ và tài liệu nguồn cho giáo viên; một số yếu tố vẫn cần được quan tâm để đảm bảo điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non, như: chế độ chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện chương trình; số trẻ/lớp; không gian, diện tích lớp và đồ dùng, đồ chơi, học liệu cho trẻ.

Lương giáo viên mầm non còn thấp chưa tương xứng với công việc; chưa bố trí đủ giáo viên mầm non, nhân viên theo định mức nên rất khó khăn trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non; cần nhân viên y tế, dinh dưỡng chuyên trách không phải là hợp đồng vụ việc để đảm bảo chất lượng việc chăm sóc giáo dục trẻ trong trường mầm non theo quy định; còn khoảng cách vùng miền trong tiếp cận chương trình giáo dục mầm non và các điều kiện thực hiện chương trình…

Làm nổi bật quan điểm tiếp cận phát triển phẩm chất năng lực trẻ em

Chương trình mới cần kế thừa và phát triển trên quan điểm chương trình hiện hành; Chương trình cần thể hiện rõ nét hơn quan điểm tiếp cận phát triển phẩm chất năng lực trẻ em mầm non phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, hướng đến hình thành những giá trị cốt lõi của con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chương trình cũng cần tiếp cận với các phương pháp giáo dục tiên tiến, hội nhập với giáo dục quốc tế và chú ý nhiều hơn đến các vấn đề giáo dục trẻ trở thành công dân toàn cầu trong hoàn cảnh cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4.

Hà An/nguồn Bộ GD-ĐT

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top