Từ vụ GS Trương Nguyện Thành bỏ về Mỹ vì không đủ chuẩn làm hiệu trưởng, nhiều ý kiến cho rằng điều quan trọng là phải xem xét năng lực thực sự của ứng viên hiệu trưởng và nên để các trường tự chịu trách nhiệm
Thông tin GS Trương Nguyện Thành, Phó Hiệu trưởng điều hành Trường ĐH Hoa Sen, không đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm hiệu trưởng vì chưa đủ 5 năm kinh nghiệm quản lý cấp phòng, khoa theo điều 20 Luật Giáo dục ĐH 2012 khiến dư luận quan tâm với nhiều ý kiến đa chiều.
Kinh nghiệm 5 năm liên quan gì đến năng lực hiệu trưởng?
Điều 20, khoản 2, điểm a Luật Giáo dục ĐH 2012 quy định tiêu chuẩn hiệu trưởng: "Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín về khoa học, giáo dục, có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục ĐH ít nhất 5 năm".
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng quy định về tiêu chuẩn hiệu trưởng ĐH trong Luật Giáo dục ĐH 2012 đã quá lỗi thời, nên phải cập nhật lại. Ngồi ghế hiệu trưởng, quan trọng là năng lực, phẩm chất đạo đức, uy tín khoa học. Quy định về kinh nghiệm quản lý 5 năm cấp phòng, khoa chỉ là tiêu chí phụ nên thay vì quy định 5 năm thì 1-2 năm cũng được.
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho rằng 5 năm làm quản lý cấp phòng, khoa không có gì bảo đảm khác biệt về kinh nghiệm để lượng đổi thành chất. Đồng quan điểm, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho rằng kinh nghiệm quản lý khoa hay phòng không giúp khẳng định năng lực hiệu trưởng vì đã là hiệu trưởng thì cái tầm sẽ khác, không thể mang tầm khoa hay phòng để lãnh đạo quản lý trường. Tương tự, hiệu trưởng ĐH mà làm bộ trưởng hay thứ trưởng cũng vậy, mang cái tầm của trường vào quản lý vĩ mô là không ổn.
GS Trương Nguyện Thành với sinh viên Trường ĐH Hoa SenẢnh: Hiếu NGUYỄN
Cần quy định mở, linh hoạt
Phát biểu với báo chí, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD- ĐT, cho rằng trong tiêu chuẩn hiệu trưởng cần có nội dung về kinh nghiệm quản lý như một điều kiện bảo đảm chất lượng quản lý đối với vị trí việc làm này. Bày tỏ quan điểm cá nhân, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho hay cũng không nên quá máy móc. Hiện nay, Luật Giáo dục ĐH đang được sửa đổi, bổ sung và điều 20 nêu trên cũng đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung. Trong đó có những luận bàn về quy định này.
"Cá nhân tôi cho rằng ngay cả khi cần phải có quy định chuẩn hóa, định lượng hóa các tiêu chuẩn chức danh như vậy (để lựa chọn, rèn luyện, bồi dưỡng đội ngũ quản lý kế cận, chuyên nghiệp...) thì pháp luật vẫn cần có quy định mở trong những trường hợp nhất định có thể chấp nhận những cách giải quyết linh hoạt, không nên quá máy móc.
Tất nhiên, cần bảo đảm các điều kiện như: Bảo đảm mặt bằng chung về các tiêu chuẩn tối thiểu; do hội đồng trường, hội đồng quản trị lựa chọn, quyết định; nếu chưa đủ điều kiện này thì phải có các điều kiện cần thiết khác vượt trội hơn... Hội đồng trường, HĐQT phải giải trình một cách thuyết phục về sự lựa chọn hiệu trưởng của họ, vì sự phát triển của nhà trường" - bà Phụng nêu quan điểm.
Phát huy quyền tự chủ của trường
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, cho rằng trước kia khi trường bổ nhiệm ông làm hiệu trưởng cũng có vài ý kiến nói không đủ chuẩn nhưng thực tế, việc điều hành trường vẫn phát triển tốt. "Các quy định về điều kiện là cần để bảo đảm hành lang về chất lượng nhưng trong từng trường hợp cụ thể, cần xem xét. Đối với trường tư, cả HĐQT biết mời ai để mang lại giá trị, bởi ở đây thường không có vấn đề tiêu cực trong bổ nhiệm" - ông Tùng nói.
Tán thành, PGS-TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết dự Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) đang được lấy ý kiến trong đó có đề cập việc hội đồng trường (công lập), HĐQT (trường tư) được bổ nhiệm hiệu trưởng mà không cần phải báo cáo cấp trên. Đối với trường tư, HĐQT có quyền lợi gắn liền nên không lo vấn đề tiêu cực trong bổ nhiệm, họ tự biết tìm người có năng lực quản lý thật sự chứ không cần phải xem đủ 5 năm kinh nghiệm quản lý cấp phòng hay khoa...
Nên tôn trọng ý kiến hội đồng trường
TS Lê Viết Khuyến - Trưởng Ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam - cho rằng đây là một quy định lỗi thời, cứng nhắc. Theo ông, Bộ GD-ĐT cho rằng việc này là đúng Luật Giáo dục ĐH nhưng trên thực tế không phải luật lúc nào cũng đúng.
"Có những cái trước đây thì phù hợp nhưng cuộc sống thay đổi không ngừng nên có những quy định đã lạc hậu. Giáo dục mấy năm gần đây có rất nhiều đổi mới, Nghị quyết 19 Hội nghị Trung ương 6 đã nêu rõ: Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất trong nhà trường. Cần phải tôn trọng ý kiến của họ. Ở đây hội đồng trường đã có ý kiến thì tôi nghĩ cơ quan quản lý cần phải cân nhắc, xem xét. Đúng là đúng luật nhưng những quy định đã lạc hậu thì phải điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn" - ông Khuyến nói.
Y.Anh
* Tựa bài viết đã được thay đổi
Theo Huy Lân/NLĐ