Người đi học tại chức phần lớn là không đủ sức đậu vào đại học. Không đỗ được đại học, họ đi làm rồi mới học tại chức nhằm mục đích tăng lương, mục đích được tuyển vào chính thức.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học vừa được Quốc hội vừa thông qua với 408 đại biểu tán thành (chiếm 84,12%). Trong đó có quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do các hình thức đào tạo khác nhau, nghĩa là bằng hệ đào tạo đại học chính quy có giá trị như bằng tại chức, văn bằng 2, liên thông, từ xa.
Học tại chức: Cả thầy và trò đều biết học không thực
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TP HCM, cho rằng trong hệ thống giáo dục đại học chúng ta có nhiều hệ đào tạo từ chính quy, tại chức, văn bằng hai, liên thông, từ xa. Mỗi hệ đào tạo được mở ra người học hoàn thành đều có bằng chung là đại học nhưng giá trị khác nhau.
Điều này lý giải tại sao trong bằng đại học lại ghi rõ cử nhân đại học hệ: Chính quy, liên thông, từ xa….mà không phải chỉ đơn thuần là cử nhân đại học.
Từ sự khác nhau đó nên nếu xếp bằng đại học chính quy có giá trị như bằng tại chức, văn bằng 2, liên thông, từ xa là hoàn toàn sai, thiếu cơ sở.
Nói cách khác đây là một sự áp đặt hành chính, không thực tế.
Trước đây nhiều người hoàn cảnh không được đi học nên đặt ra chuyện học tại chức đề chuẩn hóa, để nâng lương…
Bây giờ nền giáo dục phát triển toàn diện, người đi học tại chức phần lớn là không đủ sức đậu vào đại học. Không đỗ được đại học, họ đi làm rồi mới học tại chức nhằm mục đích tăng lương, mục đích được tuyển vào chính thức.
Học tại chức cả thầy, cả trò đều biết rằng, đấy là học không đúng, học không thực.
Thầy dạy chất lượng thấp hơn, trò cũng biết “tôi là tại chức, tôi bận đi làm”. Cuối cùng thầy dễ dàng cho điểm đậu. Với cách học và dạy như vậy thì làm sao bằng tại chức tương đương với chính quy được.
"Nói thật không chỉ tại chức, trong hệ giáo dục của mình còn có hình thức đào tạo nữa tôi cho rằng rất tệ hại chính là liên thông. Liên thông là đánh lừa người học, làm thấp bằng cấp"- PGS Nguyễn Thiện Tống, nói
Bỏ ĐH tại chức đi
Trở lại vấn đề, quy định bằng đại học tại chức giá trị tương đương với chính quy là điều vô lý, mang tính áp đặt hành chính chỉ có ý nghĩa với tuyển dụng khối nhà nước.
Thực tế nhà tuyển dụng khi xem xét phỏng vấn có quyền loại ứng viên đại học tại chức vì xét thấy không đạt yêu cầu. Người ta không tuyển vì chất lượng không đạt chứ không phải vì bằng cấp chính quy hay tại chức.
Chính người học tại chức cũng tự hiểu năng lực, trình độ cũng như giá trị tấm bằng của họ thấp hơn chính quy thì không thể đặt ngang nhau.
Nói tương đương hay không tương đương không giải quyết được vấn đề. Nhiều nơi không chỉ khu vực tư nhân mà ngay nhà nước thông báo không tuyển dụng tại chức.
Vì thế đề nghị bỏ đại học tại chức đi, lãng phí không đảm bảo chất lượng.
Trường Bách khoa TP HCM một thời kỳ đào tạo tại chức ở địa phương. Cụ thể, địa phương tuyển dụng lao động đi làm, địa phương ký với trường để đưa giảng viên xuống dạy tại chức ở địa phương. Dạy địa phương thù lao cao, kinh phí lớn, hệ lụy đào tạo một đám tại chức chất lượng thấp nhưng vẫn tốt nghiệp đại học bách khoa bằng tại chức.
Có bằng đại học tại chức họ nghiễm nhiên ngồi làm việc cơ quan sở, ngành, phòng ban ở địa phương. Trong khi sinh viên tốt nghiệp chính quy tại địa phương có trình độ hơn nhưng không được tuyển dụng.
Tương tự đại học tại chức, đại học từ xa nếu quy định tương đương với chính quy cũng là sai.
Đào tạo từ xa hay tại chức dù danh nghĩa gì không bằng chính quy. Việc Luật đưa ra có giá trị tương đương tôi nghỉ chỉ có giá trị tuyển dụng trong cơ quan nhà nước mà thực chất tạo ra kẽ hờ cho con, em, cháu cha lách vào cơ quan nhà nước.