• Thứ Hai, 20 tháng 04, 2020
  • 22:51 GMT +7

Covid-19 là cơ hội để thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục

Khoảng 110/240 cơ sở giáo dục ĐH đã triển khai đào tạo trực tuyến, với các cấp độ khác nhau. Một số trường gặp khó khăn do chưa kịp chuẩn bị, nhưng đa số cơ sở đang dần dịch chuyển từ thế bị động ban đầu sang thế chủ động.

Ngày 17/4, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chủ trì Hội nghị “Đào tạo trực tuyến của giáo dục đại học trong đại dịch Covid-19”. Hội nghị được kết nối tới hơn 300 điểm cầu gồm các cơ sở giáo dục đại học nhà cung cấp công nghệ, dịch vụ hạ tầng kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam và thế giới.

Khi giải pháp tình thế trở thành xu thế

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời là xu thế của giáo dục thế giới. Tại Việt Nam, việc triển khai đào tạo từ xa theo phương thức đào tạo trực tuyến trong hệ thống giáo dục ĐH đã có chủ trương, kế hoạch và lộ trình từ trước.

Trước đây, một số trường ĐH đã chủ động triển khai đào tạo trực tuyến kết hợp với đào tạo tập trung truyền thống. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến 192 quốc gia và vùng lãnh thổ đã phải đóng cửa trường học, trong đó có Việt Nam. Lúc này, vai trò của đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến để “không thể dừng việc học” được nhìn nhận rõ ràng hơn bao giờ hết. “Giai đoạn khó khăn là thời cơ cho chúng ta chuyển đổi số mạnh mẽ trong giáo dục và giáo dục ĐH đi đầu thực hiện nhiệm vụ này” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định.

PGS- TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho biết đến nay, khoảng 110/240 cơ sở giáo dục đại học đã triển khai đào tạo trực tuyến, với các cấp độ  khác nhau. Do đặc thù, nhiều trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật chưa tổ chức đào tạo trực tuyến và 33 trường thuộc nhóm quốc phòng - an ninh đang đào tạo tập trung.

Một số trường gặp khó khăn do chưa kịp chuẩn bị, nhưng đa số cơ sở giáo dục ĐH đang dần dịch chuyển từ thế bị động ban đầu sang thế chủ động và tính đến những kế hoạch lâu dài hơn. Qua giai đoạn thử thách này, các cơ sở đào tạo nhận thức hơn về đào tạo trực tuyến và tái cấu trúc đội ngũ cán bộ giảng viên. 

Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD- ĐT cho biết, đến nay có 11 tập đoàn ICT đã tham gia hỗ trợ ngành giáo dục triển khai đào tạo trực tuyến. Với lợi thế về hạ tầng công nghệ, các doanh nghiệp đã, đang và sẽ đồng hành tháo gỡ khó khăn về hạ tầng, giải pháp phần mềm và cước truy cập Internet.

Ngay trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã nhanh chóng tổ chức đào tạo trực tuyến, cung cấp toàn bộ bài giảng giáo trình của trường dưới dạng học liệu số. TS. Lê Việt Thủy - Giám đốc Trung tâm ứng dụng CNTT, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, những hỗ trợ từ các doanh nghiệp vào giai đoạn hiện nay cần được tích hợp với hệ thống đang được triển khai và giảm chi phí cho những những phần mềm đã sử dụng”.

Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn chia sẻ, trường sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo để cá nhân hóa trong đào tạo trực tuyến. Ông đề xuất Bộ GD- ĐT nên hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông để có kế hoạch chuyển đổi số thực sự. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẵn sàng đi đầu trong công cuộc này.

Để hợp tác giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp ICT đạt hiệu quả, đại diện ĐH Quốc gia TP HCM đề xuất cần cụ thể hóa những cam kết của doanh nghiệp ICT thành các gói sản phẩm cụ thể, hỗ trợ tối đa các trường tùy đặc thù từng đơn vị. 

Chuyển đổi số trong giáo dục: biến thách thức thành cơ hội

PGS- TS Đỗ Văn Dũng thực hiện bài giảng được trình chiếu trên Facebook. Ảnh: Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM

Cần hợp tác để xây dựng kho học liệu mở

PGS- TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng, muốn chuyển đổi số, các trường phải cùng phát triển học liệu điện tử và học liệu, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo trực tuyến. Tài nguyên mở sẽ được phân phối trên mạng thông tin, giúp mọi đối tượng tiếp cận tri thức. Có kho học liệu mở thì dù ở đâu, thời gian nào, có bị cách ly xã hội như hiện nay hay không, việc học tập cũng không bị “cách ly” với xu hướng phát triển của thế giới.

Theo TS Trương Tiến Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội, có 3 yếu tố chính trong đào tạo trực tuyến, trong đó nhân lực phát triển học liệu là hết sức quan trọng. Vì vậy, cần hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các trường trong xây dựng học liệu điện tử, khóa học.  PGS- TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM cũng cho rằng, để có mô hình đào tạo trực tuyến hoàn toàn cần chương trình hoàn chỉnh, kho học liệu sẵn sàng và áp dụng phương pháp sư phạm phù hợp với đào tạo trực tuyến.

Thực tế hiện nay, nhiều trường đại học hàng đầu thế giới đã mở kho học liệu hoặc một phần kho học liệu điện tử để bất kỳ ai cũng có thể sử dụng. Tại Việt Nam, nếu các cơ sở giáo dục ĐH sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tài nguyên, cùng xây dựng kho học liệu mở thì đây sẽ là kho học liệu điện tử lớn nhất trong lịch sử đất nước.

PGS Hoàng Minh Sơn tin tưởng, sự chia sẻ tài nguyên của các trường ĐH sẽ thực hiện được, từ đó hình thành chuỗi giá trị chung. 

Bộ GD- ĐT nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý

Bộ GD- ĐT cho biết trong thời gian tới, Bộ GD- ĐT tiếp tục ban hành những văn bản để hoàn thiện hành lang pháp lý cho đào tạo trực tuyến. Trong đó, xem xét đưa phương thức đào tạo trực tuyến vào quy chế đào tạo ĐH sửa đổi với tỷ lệ phần trăm thích hợp. Bộ cũng sẽ sớm ban hành quy chế bảo đảm chất lượng các chương trình đào tạo từ xa và xây dựng đề án phát triển đào tạo từ xa cho giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy kết nối để giáo dục ĐH và doanh nghiệp hợp tác tốt hơn trong tương lai.

Lan Anh

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top