• Thứ Hai, 30 tháng 09, 2024
  • 08:36 GMT +7

Đại học ngoài công lập mới “chạm” đến đào tạo thạc sĩ luật

Phương Mai/nguồn Bộ GD-ĐT
Hiện tại, chỉ cơ sở đào tạo công lập mới có ngành đào tạo trình độ tiến sĩ và đều là các trường có truyền thống về đào tạo luật.

Đào tạo luật

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại toạ đàm

Chiều 29/9, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ GD- ĐT tổ chức Toạ đàm về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, đào tạo luật.

Theo báo cáo của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội về đào tạo luật, ngày càng nhiều các cơ sở đào tạo tư thục tham gia vào đào tạo luật, trong đó có 28 cơ sở đào tạo luật tư thục trên tổng số 79 cơ sở đào tạo luật cả nước đào tạo đúng ngành (chiếm 35,4%).

Về quy mô đào tạo cử nhân luật, số liệu thống kê tính đến cuối tháng 12/2023, cho biết có 124.169 trong tổng sỗ 2.207.100 sinh viên (chiếm khoảng 5,6 tổng sinh viên toàn quốc); Số sinh viên học hệ ĐH chính quy chiếm 62,2% so với tổng số sinh viên học cơ sở đào tạo cử nhân luật.

Về đào tạo sau ĐH, năm học 2024-2025 có 39 cơ sở đào tạo luật trình độ thạc sĩ và 10 cơ sở đào tạo luật có đào tạo trình độ tiến sĩ. Hiện tại, chỉ cơ sở đào tạo công lập mới có ngành đào tạo trình độ tiến sĩ và đều là các trường có truyền thống về đào tạo luật. Đối với đào tạo trình độ thạc sĩ sự tham gia của khối ngoài công lập ngày càng tăng, theo thống kê đến 31/12/2023, có 19 cơ sở đào tạo luật ngoài công lập có đào tạo trình độ thạc sĩ (chiếm 48,7%) với quy mô 1.439 học viên, chiếm 17,4% quy mô học viên thạc sĩ luật của cả nước.

Đối với vấn đề đào tạo tiến sĩ, tính đến năm 2022, cả nước có 196 cơ sở đào tạo được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, tăng 1,66 lần so với năm học 2014-2015 , trong đó có 157 cơ sở giáo dục ĐH và 39 viện nghiên cứu, trường của tổ chức chính trị, lực lượng vũ trang và trường của bộ, ngành.

Quy mô đào tạo trình độ tiến sĩ tiếp tục phát triển. Cơ cấu, lĩnh vực đào tạo tiến sĩ ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu. Chất lượng, hiệu quả đào tạo trình độ tiến sĩ ngày càng được nâng lên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam còn một số hạn chế, tồn tại. Đó là, chính sách xây dựng và phát triển đội ngũ tiến sĩ chưa đầy đủ, hoàn thiện; chưa có chính sách để ưu tiên, khuyến khích, phát triển các lĩnh vực, ngành nghề quan trọng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tốc độ tăng quy mô đào tạo tiến sĩ trong giai đoạn gần đây không ổn định, có những thời điểm giảm. Việc mở rộng quy mô đào tạo của một số cơ sở chưa tương xứng với năng lực và điều kiện bảo đảm chất lượng. Công tác tuyển sinh của một số ngành, lĩnh vực đặc thù, quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gặp khó khăn.

Tại toạ đàm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng đội ngũ những người làm khoa học chưa bao giờ tiếp cận thế giới được như bây giờ. Đội ngũ tiến sĩ đã có đóng góp cho phát triển đất nước. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhìn nhận giới hạn của trường ĐH không vượt qua được giới hạn của trình độ nghiên cứu khoa học và nền kinh tế. Do đó, câu chuyện nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ là một quá trình, nâng dần cùng nâng cao nền khoa học công nghệ và tăng trưởng kinh tế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cần gia tăng đầu tư cho đào tạo tiến sĩ trong thời gian sắp tới; trong đó khâu đầu tư “dứt khoát phải làm” là đầu tư, chăm sóc cho đội ngũ “người thầy” để phát triển đào tạo, ngay cả thể chế cũng phải giải phóng cho vấn đề này.

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top