• Thứ Bảy, 10 tháng 08, 2024
  • 12:41 GMT +7

Đảm bảo chất lượng đào tạo: Nhiệm vụ trọng tâm của các trường đại học

Ngày 9/8, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025 đối với khối giáo dục đại học (ĐH).

Các đại biểu dự hội nghị Giáo dục đại học

Các đại biểu dự hội nghị Giáo dục đại học

Tham dự hội nghị có đại diện Bộ Công an, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các trường ĐH…

Chưa quan tâm đầu tư thỏa đáng cho đào tạo sau ĐH

Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thu Thuỷ, cho biết năm 2024, số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT trên cả nước là 1.071.393. Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT ghi nhận tổng số hơn 733.000 thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển, tương đương 68,5% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Tỷ lệ tuyển sinh đại học chính quy đạt 82,9%, tỷ lệ tuyển sinh thạc sĩ đạt 56,89%, tỷ lệ tuyển sinh tiến sĩ đạt 47,16%.

Đánh giá những cải tiến trong công tác tuyển sinh ngày càng tao thuận lợi cho thí sinh nhưng Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cũng cho rằng việc các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh theo nhiều phương thức cũng gây khó khăn cho thí sinh trong quá trình lựa chọn; phương thức xét tuyển sớm và sự công bằng, khách quan giữa các phương thức xét tuyển, giữa các cơ sở đào tạo vẫn chưa hoàn toàn được khắc phục trong mùa tuyển sinh năm 2023.

Công tác đào tạo và đảm bảo chất lượng ngày càng được chú trọng, cải thiện rõ rệt về chất. Đội ngũ giảng viên được gia tăng cả về số lượng và chất lượng, với sự cạnh tranh lành mạnh để thu hút nhân tài trong hệ thống. Năm 2024, số lượng đội ngũ giảng viên toàn thời gian là 91.297 người, cao hơn so với những năm trước. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, giảng viên là giáo sư, phó giáo sư tại các cơ sở giáo dục đại học ngày một tăng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thu Thủy cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức hiện nay trong hoạt động của giáo dục ĐH. Theo đó, Chất lượng đào tạo mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao và yêu cầu phát triển kinh tế tri thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đa số cơ sở giáo dục ĐH chỉ tập trung chủ yếu vào hoạt động đào tạo, đặc biệt là đào tạo ĐH, chưa quan tâm đầu tư thỏa đáng cho đào tạo sau ĐH gắn với nghiên cứu khoa học. Công tác đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ, thường xuyên với yêu cầu sử dụng lao động và nhu cầu xã hội.

Việc đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH đang theo xu hướng giảm trong những năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục ĐH công lập không có đủ nguồn tài chính cần thiết để bù đắp chi phí đào tạo và tái đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo. Công tác xã hội hóa giáo dục chưa đạt được nhiều kết quả, nhất là ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Cần sớm cụ thể hóa kế hoạch tuyển sinh năm 2025

GS- TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên, nhìn nhận trong bối cảnh đầu tư cho giáo dục ĐH còn ít ỏi, nhưng những gì đã làm được có nhiều kết quả tích cực. Về công tác tuyển sinh, kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã đủ độ tin cậy để các trường ĐH xét tuyển, GS- TS Phạm Hồng Quang cho rằng, nên quan tâm đến đối tượng chính sách là người dân tộc thiểu số, có những chính sách riêng, đảm bảo công bằng trong tuyển sinh.

PGS- TS Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP HCM) cho biết năm 2022, trường đã thử nghiệm phương án tuyển sinh tổng hợp, bao gồm tất cả các tiêu chí. Kết quả cho thấy, phương án tổng hợp này đã tạo ra sự thuận tiện, công bằng cho thí sinh và hiệu quả trong công tác xét tuyển. Nếu như trước đó, số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng vào trường là 8.500 thí sinh, thì năm nay, con số đã tăng lên 17.200 thí sinh. Hiệu quả của phương án xét tuyển đã giúp thu hút nhiều hơn số lượng thí sinh đăng ký vào trường.

TS Lê Trường Tùng phát biểu

TS Lê Trường Tùng phát biểu

Năm 2025, thí sinh sẽ thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, với các tổ hợp được thay đổi so với chương trình cũ, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT mong muốn Bộ GD-ĐT sớm cụ thể hóa kế hoạch tuyển sinh năm 2025 để các trường chủ động trong công tác xét tuyển.

Liên quan đến 2 ngành học quan trọng là Y khoa và Sư phạm, theo TS Lê Trường Tùng, Bộ GD-ĐT đã có ngưỡng điểm sàn đảm bảo chất lượng cho 2 ngành này. Tuy nhiên, cần làm sao nâng cao chất lượng đầu vào hơn nữa để đây thực sự là những ngành tinh hoa, vì đầu ra của 2 ngành này rất quan trọng đối với xã hội.

TS Lê Trường Tùng cũng đề xuất cần có chiến lược phát triển các cơ sở giáo dục ĐH địa phương, đào tạo nhân lực tại chỗ, đóng góp cho sự phát triển của địa phương và của vùng. Đồng thời, với sự phát triển lớn mạnh của trí tuệ nhân tạo, các cơ sở giáo dục ĐH cũng cần thay đổi cách thức quản lý, dạy học, để thích ứng và phát triển hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh chất lượng

Pphát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, chất lượng vừa là điểm nhấn, vừa là vấn đề cần bàn, cũng là vấn đề cần lưu ý trong thời gian tới. “Chúng ta thực hiện và tăng cường tự chủ cũng vì chất lượng, đổi mới cũng vì chất lượng”- Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tổng kết

Bộ trưởng phân tích nhiều thách thức lớn đang đặt ra với giáo dục ĐH. Theo đó, thách thức đầu tiên là sự cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu đối với giáo dục ĐH. Đó là cạnh tranh trong thu hút giảng viên, thu hút người học, cạnh tranh xếp hạng, thu hút đầu tư và cả ảnh hưởng xã hội. “Chúng ta chấp nhận cạnh tranh và coi đó là điều đốc thúc chúng ta phát triển, đổi mới, gia tăng chất lượng”.

Đối với thách thức tuyển sinh, Bộ trưởng lưu ý kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều đổi mới. Các trường ĐH cần có trách nhiệm hơn với giáo dục phổ thông, tạo sự công bằng cho thí sinh trong cơ hội học tập.  Bộ trưởng cùng lưu ý không nên quá nhiều phương án xét tuyển, càng đơn giản càng tốt, thuận cho học sinh, cho xã hội.

Lan Anh/nguồn Bộ GD-ĐT

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top