• Thứ Năm, 25 tháng 06, 2020
  • 19:06 GMT +7

Đào tạo Y dược: Không tăng học phí, chất lượng sẽ tụt lùi

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch được tự chủ từ hai năm nay, bị cắt ngân sách của TP HCM khoảng hơn 80 tỷ đồng mỗi năm, song hiện không được thu học phí cao. Hiệu trưởng trường này đang khẩn thiết đề nghị UBND TPHCM tháo gỡ khó khăn

Tại buổi họp Hội đồng hiệu trưởng khối ngành sức khoẻ diễn ra sáng 25/6, PGS-TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nêu thực trạng chi phí đào tạo khoa học sức khoẻ tốn 4-5 lần so với ngành khác nhưng học phí ở Việt Nam quá thấp. Tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, trường đang thu học phí 13 triệu đồng/năm/sinh viên , trong khi ở Mỹ là 50.000 USD, một số nước châu Âu khoảng 40.000 USD, ở Đông Âu 20.000 USD.

PGS Ngô Minh Xuân

PGS Ngô Minh Xuân

Hiệu trưởng Trường ĐH học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng cho biết trường được tự chủ từ năm 2019, bị cắt ngân sách 82,6 tỉ đồng/năm từ TP HCM từ năm 2018 nhưng không được thu học phí cao do vướng các quy định. Trường chỉ được thu 13 triệu đồng một năm trong khi thực tế ít nhất 32 triệu mới tạm để đào tạo.

Là trường thuộc UBND TP HCM, đại học này có nhiệm vụ đào tạo nhân lực ngành y cho thành phố nên chịu áp lực lớn phải tăng chỉ tiêu hằng năm. "Mục tiêu của thành phố là 20 bác sĩ trên 10.000 dân, do đó mỗi năm trường phải cho ra trường tối thiểu 800 bác sĩ. Không tăng chỉ tiêu thì không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng nếu tăng mà không được tăng học phí thì khó nâng cao chất lượng. Tình trạng thu học phí thấp kéo dài, trường sẽ mất giảng viên bởi môi trường bên ngoài rất hấp dẫn.

PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Đại học Y dược TP HCM, cho biết từ năm học 2020-2021, học phí đối với sinh viên khoá mới tăng nhiều lần so với trước, từ 30 đến 70 triệu đồng mỗi năm, tuỳ ngành. Số tiền này thực tế chưa tính đúng và đủ chi phí đào tạo, trường vẫn phải bù lỗ.

Theo ông Tuấn, học phí phụ thuộc vào 3 yếu tố: đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất; chương trình đào tạo, trải nghiệm sinh viên; đội ngũ giảng viên. Thời gian qua, trường đầu tư nhiều cho cơ sở vật chất, chương trình đào tạo cũng được nâng chất khi phối hợp Đại học Harvard xây dựng.

Nếu như trước đây sinh viên học đại trà trong lớp hơn 100 người thì nay học với lớp nhỏ - đồng nghĩa với việc số lượt giảng của giảng viên tăng. Do vậy, nếu không đãi ngộ tốt, trường khó giữ chân giảng viên giỏi.

Ông Tuấn cũng cho rằng, nếu trường không tăng học phí sẽ không thể nâng cao chất lượng đầu ra, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trên thị trường lao động.

PGS-TS Trần Diệp Tuấn

PGS-TS Trần Diệp Tuấn

“Lâu nay Việt Nam thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) bằng lao động giá rẻ, còn nếu tính đến hàm lượng chất xám cao thì mức độ cạnh tranh của VN có vấn đề”- Ông Tuấn nói và rằng để đón làn sóng doanh nghiệp FDI mới, Việt Nam nhất thiết phải chuẩn bị nguồn nhân lực tốt. Học phí cao có lợi cho trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, nhân lực chất lượng cao có lợi cho nền kinh tế quốc dân.

Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP HCM, cho rằng cần phải tăng nguồn lực đầu tư để nâng chất lượng đào tạo khối ngành sức khoẻ nhằm nâng chất lượng đội ngũ y bác sĩ và hội nhập quốc tế. Việc này không chỉ liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực mà còn liên quan đến việc bảo vệ sức khoẻ toàn dân. Vì thế, vai trò của nhà nước rất lớn, giao tự chủ không có nghĩa là không hỗ trợ, nhà nước cần sớm triển khai kế hoạch đặt hàng cho các trường.

PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, tính toán để đào tạo bác sĩ như tại Trường ĐH Y dược TP HCM hay tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, thì mức thư học phí khoảng 88 triệu đồng/sinh viên/năm đối với ngành Y, nếu thực hiện lớp học nhỏ thì gần 100 triệu đồng.

Minh Lan (tổng hợp)

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top