PGS-TS Trần Nguyễn Ngọc Anh Thư
PGS-TS Trần Nguyễn Ngọc Anh Thư, Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế - Trường ĐH Tài chính Marketing, cho rằng các nhà làm chính sách đề xuất dự thảo như vậy có thể do lo lắng về chất lượng đào tạo. Nhưng trên thực tế, chương trình chất lượng cao ở một số trường đã được kiểm định, như ở trường Đại học Tài chính – Marketing, đã có 3 chương trình chất lượng cao được kiểm định (các ngành Quản trị kinh doanh, Marketing và Tài chính Ngân hàng).
Hơn nữa, ở các chương trình chất lượng cao, thực tế hiện nay các trường đại học đầu tư rất nhiều, từ chương trình đào tạo, giáo trình, đội ngũ giảng viên, đến cơ sở vật chất với mong ước đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong quá trình dạy và học, các trường còn đầu tư rất nhiều vào các kỹ năng mềm như: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tổ chức, kỹ năng quản lý thời gian,... Chuẩn đầu ra tiếng Anh và tin học của sinh viên chương trình chất lượng cao cũng cao hơn so với chương trình đại trà.
Như vậy, các trường đại học hướng đến chuẩn đầu ra chứ không phải đầu vào, vì nếu học lực các em chỉ ở mức khá, nhưng các em được có môi trường cùng học tập, cùng rèn luyện tốt. … thì chất lượng đào tạo vượt trội hơn hẳn. Nếu dự thảo thực tế được thông qua, số lượng học sinh nộp hồ sơ xét tuyển chất lượng cao có thể giảm, vì các học sinh có học lực khá hoặc trung bình khá sẽ sợ rủi ro, khó trúng tuyển. Vì thế, nên quản lý đầu ra chứ không phải điểm đầu vào, chỉ cần có điểm sàn là được. Chẳng hạn, với chương trình liên kết quốc tế đầu vào rất thoáng, chỉ cần tốt nghiệp Trung học Phổ thông, điểm trung bình lớp 12 đạt 6.0 trở lên, nhưng đầu ra vẫn đảm bảo, chất lượng chương trình đã được kiểm định quốc tế, nên sinh viên ra trường giỏi về chuyên môn, giỏi tiếng Anh, tin học và các kỹ năng mềm, các bạn ra trường rất thành công, chủ yếu làm việc ở các Công ty đa quốc gia, doanh nghiệp có vốn nước ngoài, hoặc doanh nghiệp lớn...