GS Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) nhấn mạnh thông tin như vậy tại buổi làm việc về công tác phát triển đào tạo ngành, liên ngành được tổ chức ngày 7/9.
Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Quốc tế, ĐHQGHN, lĩnh vực mũi nhọn, có xu hướng phát triển mạnh mẽ là nhóm ngành Kỹ thuật Công nghệ. Trong tương lai, nhu cầu nhân lực thuộc các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ sẽ tăng cao, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), an toàn thông tin, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học…
Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Lê Trung Thành cho biết, Khoa Quốc tế xây dựng quy hoạch ngành Kỹ thuật Công nghệ trên cơ sở tận dụng tối đa thế mạnh các nguồn lực của cộng đồng “One VNU”: nhân lực, cơ sở vật chất, các mối quan hệ, sứ mệnh, trách nhiệm xã hội, chỉ số cạnh tranh quốc gia, đổi mới sáng tạo. Trong đó, nguồn lực khoa học cơ bản làm nền tảng cho khoa học ứng dụng, kỹ thuật công nghệ. Mối quan hệ giữa các lĩnh vực Khoa học (Science) – Kỹ thuật (Engineering) – Công nghệ (Technology) vốn là thế mạnh của các đơn vị đào tạo trong ĐHQGHN sẽ làm tiền đề để các chương trình đào tạo (CTĐT) thuộc lĩnh vực Kỹ thuật Công nghệ phát triển bền vững.
Chủ nhiệm Lê Trung Thành cũng khẳng định, việc xây dựng quy hoạch ngành đáp ứng nhu cầu phát triển quy mô, đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực Kỹ thuật Công nghệ, góp phần nâng cao các chỉ số đổi mới sáng tạo, cạnh tranh quốc gia, khoa học công nghệ… Cùng với đó là gia tăng các nguồn lực tài chính, sự tăng trưởng các chỉ tiêu hướng tới định hướng của ĐHQGHN.
Trưởng ban Đào tạo Nguyễn Đình Đức cho rằng, các ngành được quy hoạch cần phù hợp và tương ứng với danh mục của Bộ GD-ĐT.
Thông qua việc khảo sát một số CTĐT tại các trường đại học đào tạo lĩnh vực Kỹ thuật Công nghệ ở Việt Nam và trong khu vực, cũng như khảo sát các ngành Kỹ thuật Công nghệ mới tại các quốc gia phát triển: Mỹ, Australia, Phần Lan…, nhóm làm việc của Khoa Quốc tế đã xây dựng một số mô hình tổ chức.
Theo đó, Viện/Trung tâm Đào tạo kỹ sư tiên tiến của ĐHQGHN đặt tại Khoa Quốc tế, đứng đầu là Giám đốc Chương trình đào tạo. Các cơ chế quản lý, cơ chế tài chính được xây dựng phù hợp với các nguồn lực trong ĐHQGHN. Từ đó có thể thu hút đội ngũ chuyên gia giỏi trong lĩnh vực gồm các nhà khoa học, các doanh nghiệp tham gia vào CTĐT. Song song với đó là việc xây dựng các nhóm nghiên cứu, phòng thí nghiệm phát triển sản phẩm đổi mới sáng tạo, các dự án theo CTĐT, học phần, hợp tác chặt với tập đoàn, doanh nghiệp, đào tạo theo địa chỉ, đặt hàng.
Khoa Quốc tế đã đánh giá, đối sánh 13 CTĐT dự kiến mở mới thông qua một số yếu tố cơ bản: Tình hình đào tạo tại ĐHQGHN; Tình hình đào tạo tại các trường ĐH trong và ngoài nước; Khả năng khởi nghiệp và khả năng phát triển đổi mới sáng tạo của người học sau tốt nghiệp; Khả năng đóng góp công bố ISI/Scopus; Các điều kiện đảm bảo chất lượng (cơ sở vật chất, giảng viên, chuyên gia…); Mức lương trung bình…
Các ý kiến trao đổi tại buổi làm việc đều thống nhất với đề xuất quy hoạch ngành Kỹ thuật Công nghệ của Khoa Quốc tế. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị, trong quá trình xây dựng, thuyết minh đề án, Khoa Quốc tế cần lưu ý định hướng mở ngành phải gắn với chức năng, nhiệm vụ và sứ mệnh của Khoa. Đồng thời, Khoa Quốc tế cần xác định rõ nhu cầu xã hội, cơ chế tuyển sinh, kế hoạch khai thác, sử dụng phòng thí nghiệm, thực hành. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế phối hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực này, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên được thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, thúc đẩy sinh viên tiếp cận sớm với yêu cầu chuyên môn của thị trường lao động và nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm sau tốt nghiệp.
Phó Giám đốc thường trực ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải bày tỏ sự đồng thuận với quan điểm về mô hình thống nhất “One VNU”. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải cũng cho rằng, các đơn vị đào tạo cần phát huy tinh thần chủ động, tính sáng tạo. Phó Giám đốc ĐHQGHN đề nghị, trước mắt, cần lựa chọn mở mới các CTĐT trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, tiến tới phát triển lần lượt các CTĐT về năng lượng tái tạo và công nghệ sinh học.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn nhất trí chủ trương đẩy mạnh ngành Kỹ thuật Công nghệ và phát huy mô hình đa ngành, đa lĩnh vực trong ĐHQGHN. Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn cho rằng, tăng cường cơ hội hợp tác, đồng hành với CTĐT sẽ góp phần nghiên cứu, giải quyết các bài toán công nghệ của tập đoàn, doanh nghiệp. Đây là bước đi quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu gắn đào tạo với thực tiễn và nghiên cứu, chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội.
Kết luận buổi làm việc, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân khẳng định, ĐHQGHN luôn kiên định mục tiêu giữ vững chất lượng đào tạo, tập trung vào các CTĐT mang tính liên ngành, liên lĩnh vực, trong đó ưu tiên các lĩnh vực mũi nhọn, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động 4.0, hướng tới thực hiện thành công chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trở thành đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, đạt các tiêu chí cơ bản của đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân khẳng định, ĐHQGHN kiên định giữ vững mục tiêu chất lượng đào tạo, gắn đào tạo và nghiên cứu
Trên cơ sở kết quả khảo sát, đánh giá những thuận lợi, khó khăn cũng như nhu cầu nhân lực của các CTĐT thuộc lĩnh vực quy hoạch ngành được đề xuất, Giám đốc Lê Quân đề nghị Khoa Quốc tế lựa chọn 5 CTĐT khả thi nhất, phù hợp với nhu cầu xã hội.
Giám đốc ĐHQGHN yêu cầu, các CTĐT mở mới phải là các chương trình có tính quốc tế hóa cao, tính liên ngành, xuyên ngành, liên đơn vị, xuyên đơn vị. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, từ đó gia tăng chỉ số công bố quốc tế, phát minh sáng chế, tăng chỉ số xếp hạng bền vững của ĐHQGHN.
Giám đốc Lê Quân đề nghị cần ưu tiên đầu tư trọng điểm, rà soát các phương án nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ sở thực hành cho khối công nghệ trong Khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc.