Năm 2020 là năm thứ 3 ĐH Quốc gia TP HCM thi đánh giá năng lực. Kết quả kỳ thi không chỉ làm cơ sở để các trường thành viên xét tuyển mà ngày càng có nhiều trường ĐH, CĐ xét tuyển từ kết quả kỳ thi này.
Ảnh minh hoạ
Thông tin vừa được ĐHQG TP HCM công bố, năm 2020 kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM tổ chức 2 đợt. Khác với các năm trước, năm nay kỳ thi được tổ chức đồng thời ở nhiều địa phương (đợt 1: TP HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Bến Tre, An Giang; đợt 2: TP HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang).
Tin cậy
Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM tổ chức từ năm 2018 và tiếp tục tổ chức trong các năm tiếp theo với quy mô lớn hơn, nhiều thí sinh dự thi hơn.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TP HCM, cho biết ăm 2018, kỳ thi được tổ chức mang tính chất thí điểm đã có 5.000 thí sinh tham gia thi. Sau kỳ thi này, ĐHQG TP HCM đã tổng kết và đưa ra đánh giá rằng kết quả kỳ thi là tin cậy, đáp ứng được các yêu cầu nên tiếp tục tổ chức. Năm 2019, kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức làm 2 đợt với số thí sinh dự thi tăng gấp 10 lần so với năm 2018. Năm 2020 cũng tổ chức 2 đợt nhưng ngoài TP HCM, kỳ thi cũng đồng thời tổ chức ở nhiều địa phương khác.
Kết quả thi đánh giá năng lực là một trong những phương thức xét tuyển vào các đơn vị thành viên ĐHQG TP HCM. Năm 2020, ĐHQG TP HCM dành dự kiến tối đa 50% chỉ tiêu xét tuyển bằng hình thức thi đánh giá năng lực. Do vậy kỳ thi đánh giá năng lực không phải là kỳ thi bắt buộc để tuyển sinh vào ĐHQG TP HCM. Nhưng, nếu thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực thì thí sinh sẽ có thêm cơ hội để xét tuyển vào các đơn vị thành viên ĐHQG TP HCM (Thí sinh vẫn được quyền đăng ký thêm các hình thức xét tuyển khác). Ngoài ra, kết quả thi đánh giá năng lực tại ĐHQG TP HCM cũng dự kiến hơn 30 trường ĐH, CĐ ngoài ĐHQG TP HCM sử dụng để tuyển sinh đại học năm 2020.
Cấu trúc đề thi 3 phần
Cũng theo TS Nguyễn Quốc Chính, bài thi đánh giá năng lực chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của thí sinh, thông qua một bài thi tổng hợp gồm 120 câu hỏi, thời gian làm bài 150 phút. Về hình thức, đề thi sử dụng các câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn (MCQ - Multiple Choice Questions). Về nội dung, đề thi tích hợp đầy đủ cả về mặt kiến thức lẫn tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản, đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng. Đề thi được xây dựng cùng cách tiếp cận như đề thi SAT (Scholastic Assessment Test) của Hoa Kỳ và đề thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.
ĐHQG TP HCM mới đây cũng đã công bố cấu trúc bài thi đánh giá năng lực của năm 2020. Bài thi đánh giá năng lực năm 2020 gồm 120 câu với ba phần sử dụng ngôn ngữ, Toán học - tư duy logic, phân tích số liệu và giải quyết vấn đề.
Phần thứ nhất sử dụng ngôn ngữ với 40 câu gồm hai phần tiếng Việt và tiếng Anh. Với câu hỏi tiếng Việt, đề đánh giá năng lực đọc hiểu văn bản, khả năng cảm thụ, phân tích các tác phẩm văn học. Đề thi tích hợp nhiều kiến thức về ngữ văn, đòi hỏi thí sinh nắm vững những kỹ năng thực hành tiếng Việt.
Ở câu hỏi tiếng Anh, đề đánh giá khả năng sử dụng ngôn ngữ này ở cấp độ A2-B1 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc với các nội dung: lựa chọn cấu trúc câu, nhận diện lỗi sai, đọc hiểu câu, đọc hiểu đoạn văn.
Phần hai Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu với 30 câu hỏi đánh giá khả năng áp dụng các kiến thức toán học; tư duy logic; diễn giải, so sánh phân tích số liệu.
Nội dung chủ yếu của Toán học gồm: ứng dụng của đạo hàm để khảo sát hàm số, số phức, hình học thuần túy, hình học tọa độ, tích phân và ứng dụng của tích phân, tổ hợp và xác suất, hàm số mũ và hàm số logarit, giải toán bằng cách lập hệ phương trình, giải hệ phương trình nghiệm nguyên.
Các câu hỏi tư duy logic đánh giá khả năng suy luận thông qua các hình thức logic đơn lẻ và nhóm logic tình huống. Dựa vào các thông tin được cung cấp trong mỗi tình huống logic cùng với kỹ năng suy luận và phân tích, thí sinh tìm phương án khả thi cho các giả định được đưa ra.
Câu hỏi phân tích số liệu đánh giá khả năng đọc và phân tích số liệu thực tế thông qua các sơ đồ và các bảng số liệu. Các sơ đồ và bảng biểu xuất hiện trong đề thi gồm: biểu đồ tròn, biểu đồ Venn, biểu đồ cột, biểu đồ đường, biểu đồ dạng bảng số liệu.
Cuối cùng, phần giải quyết vấn đề với 50 câu đánh giá khả năng hiểu các kiến thức giáo khoa cơ bản và áp dụng để giải quyết các vấn đề cụ thể thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên (hóa học, vật lý, sinh học) và khoa học xã hội (địa lý, lịch sử).