• Thứ Bảy, 18 tháng 09, 2021
  • 08:45 GMT +7

Điểm chuẩn tuyển sinh: cuộc chiến của ai?

Minh Hà (TH)
Nguồn: Không xác định
Sau khi các trường công bố điểm chuẩn, cả xã hội đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Từ khi công bố phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2021, các chuyên gia đã vào cuộc và phân tích, dự báo điểm chuẩn các trường. Đa số các dự báo là đúng, dù nhiều hay ít.

Tuy vậy, mức tăng điểm chuẩn ở một số ngành và một số trường đã gây sốc. Thi mỗi môn 10 điểm mà trượt ĐH thì không còn biết trông chờ vào điều gì nữa

Nhiều yếu tố tác động khiến điểm chuẩn tăng

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết nhìn chung là mặt bằng điểm trúng tuyển bằng phương thức điểm thi THPT đều tăng so với năm 20210 ở hầu hết các nhóm ngành và các trường. Có 2 lý do quan trọng nhất là phổ điểm thi THPT năm 2021 tăng và chỉ tiêu còn lại dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT giảm so với năm 2020

Thạc sĩ Nguyễn Hải Trường An, Giám đốc Trung tâm truyền thông và Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế- Luật (thành viên ĐHQG TP HCM), cho biết điểm chuẩn năm nay có các xu hướng: nhóm tăng nhẹ là các trường có mức điểm chuẩn cao truyền thống, vốn dĩ điểm chuẩn đã cao ngất ngưỡng nên mức tăng không nhiều như nhóm ngành kinh tế, ngoại thương, kỹ thuật,... ; nhóm thì tăng mạnh mẽ hoặc thấp hơn năm trước. Điều này là do yếu tố tâm lý, thực trạng của xã hội tác động như nhóm ngành sư phạm, công nghệ, du lịch,...

Điểm chuẩn năm nay tăng cao vì các trường có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, đa dạng đối tượng tuyển sinh đã công bố và xác nhận nhập học trước đó nên tỷ lệ dành cho phương thức thi tốt nghiệp THPT thấp hơn những năm trước; những ngành điểm tăng mạnh một phần vì các em thấy điểm chuẩn những năm trước thấp nên đăng ký vào để an toàn hoặc do xu hướng xã hội nên có sự điều chuyển về hướng chọn ngành học; tác động của mức phổ điểm thi tốt nghiệp THPT cao.

PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cho rằng các trường đã dùng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, nhằm phủ lắp chỉ tiêu tuyển sinh, chỉ dành lại không nhiều chỉ tiêu cho điểm thi THPT, thậm chí là rất ít. Các thí sinh có thể đã không nhìn thấy xu hướng này, cộng với điểm thi THPT khá cao, nên đã không tham dự các phương thức khác, hoặc thậm chí là không xác nhận nhập học để chờ đợi kết quả tuyển sinh bằng điểm THPT. Việc các trường không công bố rõ ràng các chỉ tiêu còn lại dành cho phương thức THPT góp phần làm cho thông tin tuyển sinh không minh bạch, không hỗ trợ tốt thí sinh trong việc lựa chọn nguyện vọng của mình.

Có thể thí sinh và xã hội vẫn còn bị ảnh hưởng bởi cách thức đối xử với thứ tự nguyện vọng thi tuyển sinh vào lớp 10 hằng năm: đó là điểm chuẩn của các nguyện vọng sẽ tăng dần theo thứ tự ưu tiên. Ở tuyển sinh đại học, các nguyện vọng được đối xử như nhau bất kể thứ tự ưu tiên. Chỉ khi nào một thí sinh trúng tuyển nhiều hơn một nguyện vọng, nguyện vọng có ưu tiên cao nhất được giữ lại để xác định trúng tuyển. Khả năng là có nhiều thí sinh đã dùng quá ít nguyện vọng và đã vội vã chuyển đổi nguyện vọng của nhóm "mơ ước" sang thành nhóm "kỳ vọng" và làm cho các ngành có điểm chuẩn năm 2020 không quá cao đã tăng lên đột biến trong năm nay.

Điểm sáng của kỳ tuyển sinh năm nay là điểm chuẩn của các ngành truyền thống ở các trường có truyền thống, có uy tín đào tạo (như các trường Y Dược, Xã hội nhân văn, Kỹ thuật hàng đầu) ít có biến động, giữ vững truyền thống và danh tiếng của mình trong việc đảm bảo đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2021

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2021

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, cho rằng việc tăng điểm chuẩn một số ngành, khối là do số thí sinh đăng ký dự thi tăng từ 900.000 lên 1.020.000, tăng hơn 11% so với 2020. Trong khi đó, số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ tăng 152.000, từ 643.000 lên 795.000, tăng khoảng 24% so với 2020. Có thể dịch Covid-19 đã khiến các em không thể đi du học, dẫn đến số thí sinh tăng lên. Khi tỉ lệ thí sinh trên số chỉ tiêu tăng như thế thì việc tăng điểm chuẩn là bình thường. Ngoài ra, thí sinh đã chọn ngành thực tế hơn, kỹ hơn. Số ngành tăng từ 5 điểm trở lên là 265 ngành (khoảng 8%), trong đó tăng từ 9-11 điểm là 30 ngành. Khối Kỹ thuật - Công nghệ tăng nhiều nhất với 70 ngành, sư phạm 64 ngành, sau đó tới khối Kinh doanh và Quản lý 42 ngành, Khoa học xã hội và Nhân văn 32 ngành, Pháp luật 10 ngành. Nguyên nhân cuối cùng, đó là phân tích phổ điểm thi cho thấy môn tiếng Anh năm nay tăng nhiều so với năm trước. Điều này cũng làm cho điểm chuẩn tăng lên.

Thí sinh chủ quan vì có điểm thi cao

Thạc sĩ Nguyễn Hải Trường An, khẳng định điểm thi này đã công bố trước, các chuyên gia cũng đã nhận định rất nhiều về các mức điểm này rồi và phụ huynh thí sinh cũng có thời gian để tìm hiểu chuẩn bị trước khi điều chỉnh nguyện vọng. Tuy nhiên, nhiều thí sinh có điểm cao vẫn rớt. Đây là lúc cần nhìn nhận lại từ góc độ của phụ huynh và thí sinh.

Đó là tâm lý khá chủ quan về điểm số cao làm ảnh hưởng rất lớn đến việc sắp xếp thứ tự nguyện vọng từ an toàn thành rủi ro. Có những bạn đã thay đổi hoàn toàn nguyện vọng bỏ qua những lưu ý khi đặt nguyện vọng của các chuyên gia tư vấn để tập trung hoàn toàn vào những ngành học hot và trường hot, mà bỏ đi những ngành học và trường học trong nhóm an toàn trước đó đã chọn.

Đó là còn là tâm lý quá tự tin từ việc điểm thi tốt nghiệp cao đã khiến cho các bạn từ bỏ những cơ hội trúng tuyển đại học bằng các phương thức khác trước đó như học bạ, đánh giá năng lực, chứng chỉ quốc tế,... vì đó là những ngành học bình thường "không thích" ở trường "không thích" để mong muốn học những ngành hot "thích hơn" ở trường "thích hơn". Bởi nếu bạn không thích thì tại sao bạn lại đăng ký xét tuyển? Và có những bạn thì rất bảo thủ chỉ chọn đăng ký đúng ngành học đó, trường đó mà không có sự lựa chọn thứ hai. Dù có tư vấn thêm những ngành học liên quan thì các bạn vẫn khăng khăng "em chỉ học ngành đó là phù hợp nhất". Do xu hướng phụ huynh và thí sinh lựa chọn học những chương trình chất lượng cao, tiên tiến nên mức điểm chuẩn tăng cao hơn (có những chương trình chất lượng cao và tiên tiến cao hơn chương trình đại trà)

Thí sinh có mức điểm bằng với điểm chuẩn nhưng vẫn không trúng tuyển năm nay có vẻ nhiều hơn vì có lẽ là do yếu tố tỷ lệ xét tuyển bằng kết quả thi THPT giảm hơn so những năm trước. Chính vì vậy, các trường đều sử dụng đến các tiêu chí phụ để xét và thêm tiêu chí cuối cùng từ phần lọc ảo là xét đến thứ tự nguyện vọng đăng ký để cho không vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định.

TS Nguyễn Trung Nhân, cũng cho rằng do thí sinh do chưa lường trước, nên đã từ chối nhập học bằng các phương thức khác đồng thời không bổ sung thêm nguyện vọng và dẫn đến không trúng tuyển vào các trường, ngành mình mong muốn hoặc không trúng tuyển trong đợt này.

Điểm thi THPT không giúp phân hoá thí sinh

PGS-TS Bùi Hoài Thắng, cho rằng điểm thi THPT không giúp phân hoá thí sinh để xét tuyển vào đại học. Có nhiều thí sinh có cùng, hoặc gần điểm số ở các mức điểm THPT có thể làm công tác tuyển sinh không còn chính xác. Có thể việc này giúp các trường đảm bảo được chỉ tiêu tuyển sinh với phổ điểm chuẩn "đẹp", nhưng cũng có thể không giúp tuyển sinh được đúng người. Đối với từng cá nhân, việc trúng tuyển vào ngôi trường mơ ước là niểm hạnh phúc, nhưng việc mất cân đối cũng chính là làm mất đi niềm vui của các thí sinh có thực lực nhưng không may mắn có được điểm số phù hợp.

Minh Hà (TH)

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top