• Thứ Sáu, 01 tháng 10, 2021
  • 10:05 GMT +7

"Giải cứu" các ngành học đặc thù

Theo Huy Lân/Người lao động
Nguồn: Không xác định
Phương pháp đào tạo đơn ngành đang bị đe dọa không chỉ bởi khó tuyển sinh mà còn không đáp ứng nhu cầu người sử dụng

Trong đợt công bố điểm chuẩn theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, 5 trong tổng số 17 ngành ở Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP HCM chỉ tuyển được 2 đến 6 thí sinh. Điều đáng buồn đây lại là những ngành đặc thù của trường.

Ngành hẹp khó tuyển sinh

PGS-TS Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho biết hiện đang có sự mất cân đối về số lượng sinh viên ở từng ngành đào tạo. Trong khi các ngành như quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin… rất được ưa chuộng thì nhiều ngành khác như thủy văn học, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, kỹ thuật tài nguyên nước, quản lý tài nguyên khoáng sản, quản lý tài nguyên và môi trường biển đảo… tuyển sinh rất khó khăn. Đây cũng là khó khăn chung của những trường có đào tạo các ngành này.

Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP HCM, ngành tuyển được ít thí sinh đều ở nhóm đặc thù của khối ngành tài nguyên, môi trường. Dù nhu cầu nhân lực lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, tài nguyên, những ngành này chưa tiếp cận được thí sinh; công tác thông tin thị trường lao động ở lĩnh vực tài nguyên - môi trường còn rất hạn chế nên thí sinh không có thông tin, các em thường nghĩ rằng học ở lĩnh vực này chỉ có thể làm việc trong môi trường nhà nước nên đắn đo khi chọn ngành.

Thí sinh đăng ký xét tuyển vào một trường ĐH tại TP HCM

Thí sinh đăng ký xét tuyển vào một trường ĐH tại TP HCM

Tại Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, trong khi các ngành thuộc nhóm nông nghiệp, công nghệ "được mùa" thu hút thí sinh với mức điểm chuẩn khá cao, các ngành như lâm học, quản lý tài nguyên rừng, lâm nghiệp đô thị... rơi vào tình trạng khó tuyển sinh trong nhiều năm qua. Theo TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng nhà trường, nhu cầu nhân lực ở những lĩnh vực này khá cao, công việc và thu nhập sau tốt nghiệp tốt nhưng có thể do cách nhìn nhận, sự thấu hiểu về lĩnh vực nghề nghiệp, đặc thù công việc khiến những ngành này không được ưa chuộng. Chương trình đào tạo thiết kế theo chuẩn quốc tế AUN - QA và tiệm cận với thế giới, tuy nhiên vẫn có những nét đặc thù khiến một số thí sinh e ngại về cơ hội tìm việc làm sau khi tốt nghiệp.

"Hiện có sự mất cân đối trong việc chọn ngành nghề của thí sinh. Có những ngành nghề rất được ưa chuộng nhưng cũng nhiều ngành nghề mặc dù đầu ra khá tốt nhưng thí sinh ít lựa chọn. Điều này làm gia tăng nghịch lý cung cầu và khoảng cách thừa, thiếu nguồn nhân lực ở một số lĩnh vực nghề nghiệp" - TS Trần Đình Lý nói.

Xu hướng đào tạo liên ngành, xuyên ngành

Những ngành hẹp, thậm chí rất hẹp nếu tiếp tục duy trì sẽ ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh của các trường. Phương pháp đào tạo đơn ngành đang bị đe dọa không chỉ bởi khó tuyển sinh mà còn không đáp ứng nhu cầu người sử dụng. Vì vậy, từ năm 2021, nhiều trường ĐH đã chuyển sang đào tạo theo hướng liên ngành, xuyên ngành.

Hai trong số 6 ngành mới được Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM mở mới trong năm nay là quản trị kinh doanh thực phẩm, kinh doanh thời trang và dệt may. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông của trường, cho biết đây là 2 ngành có tính chất liên ngành. Trong đó, kinh doanh thời trang và dệt may trang bị kiến thức của các lĩnh vực kinh tế, quản lý, thời trang và dệt may giúp người học trở thành một nhà kinh doanh trong lĩnh vực trên. Trong khi đó, ngành quản trị kinh doanh thực phẩm chuyên đào tạo các nhà quản lý cho doanh nghiệp kinh doanh và chế biến thực phẩm.

Tại Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, quản lý đô thị thông minh bền vững là ngành mới có tính liên ngành được trường đưa vào tuyển sinh trong năm nay. TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo, cho biết đây là ngành học kết hợp các nhóm kiến thức liên quan đến môi trường, quản lý và công nghệ thông tin. Trước đây, một số ngành của trường này cũng được mở theo hướng xuyên ngành với sự kết hợp nhiều khối kiến thức trong cùng lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật như: robot và trí tuệ nhân tạo, cơ điện tử. Các ngành này là sự kết hợp giữa cơ khí, tự động hóa và công nghệ thông tin.

Đào tạo liên ngành, xuyên ngành đang là xu hướng được các trường xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu lao động trong thời đại kỷ nguyên số. Ở đó, nhân lực tham gia vào thị trường lao động phải có các kiến thức giao thoa của nhiều ngành nghề khác nhau.

"Nếu nhìn xu hướng kỹ năng nghề nghiệp trong kỷ nguyên số, người học phải được trang bị kiến thức đa ngành để đáp ứng nhu cầu", PGS-TS Huỳnh Quyền nói. Ông cho biết xu hướng hiện nay bắt buộc phải có sự thay đổi trong đào tạo, nếu không, chất lượng đào tạo sẽ lạc hậu so với nhu cầu nhân lực mới, sinh viên không đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; nguy cơ mất ngành nếu tiếp tục không tuyển sinh được…

Dựa vào nhu cầu doanh nghiệp

PGS-TS Huỳnh Quyền cho biết hiện nay các trường được tự chủ xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở chương trình khung của Bộ Giáo dục - Đào tạo và cứ sau mỗi 2 năm các trường phải cập nhật lại chương trình. Vì thế, các trường phải dựa vào nhu cầu của doanh nghiệp để xây dựng chương trình cho phù hợp, nếu cứng nhắc không chuyển đổi thì sinh viên sẽ không được chấp nhận trong thị trường lao động.

Theo Huy Lân/Người lao động

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top