• Thứ Ba, 23 tháng 06, 2020
  • 12:10 GMT +7

Giáo dục nghề nghiệp đối diện với 3 thách thức lớn

Giáo dục nghề nghiệp dù có bước phát triển nhưng chưa thực sự là con đường hấp dẫn nhất với học sinh; tuyển sinh còn khó khăn, các điều kiện đảm bảo chất lượng còn hạn chế; hiệu quả đào tạo, việc làm sau đào tạo chưa bền vững.

Nguyễn Hồng Phong, trưởng phòng đào tạo CĐ nghề Phú Yên

Ông Nguyễn Hồng Phong, Trưởng phòng đào tạo Trường CĐ nghề Phú Yên phát biểu

Ngày 23/6, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động thương binh và xã hội) tổ chức Hội nghị tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm năm 2020.

Báo cáo đánh giá công tác tuyển sinh, giải quyết việc làm năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2020, TS Vũ xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy- Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết cả nước có 1.914 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 399 trường cao đẳng, 462 trường trung cấp và 1.053 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên. Mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rộng khắp cả nước tạo thuận lợi cho người học.

Dẫn tổng hợp của 63 tỉnh/TP về kết quả tuyển sinh năm 2019, ông Hùng cho biết kết quả tuyển sinh đạt 103,5% so với kế hoạch, trong đó tuyển sinh trung cấp, CĐ là 568.000 người, đạt 101,4% so với kế hoạch. Cụ thể, CĐ tuyển sinh được 236.000 sinh viên, trung cấp 332.000…

Kết quả tốt nghiệp và giải quyết việc làm sau tốt nghiệp năm 2019, tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh/TP cho biết tỉ lệ HS, SV có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 80%, trong đó sinh viên CĐ ra trường có việc làm đạt 85%, trung cấp 80%. HS, SV chưa có việc làm ngay phần lớn do tiếp tục học liên thông lên trình độ cao hơn hoặc tìm kiếm những công việc có mức thu nhập và điều kiện phù hợp hơn. Một số trường có uy tín về chất lượng đào tạo, tỉ lệ HS, SV có việc làm đạt 100%

TS Trương Anh Dũng, tổng cục trưởng, tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết giáo dục nghề nghiệp đang phải đối diện với 3 thách thức lớn. Đó là, giáo dục nghề nghiệp dù có bước phát triển nhưng chưa thực sự là con đường hấp dẫn nhất với học sinh; tuyển sinh còn khó khăn, các điều kiện đảm bảo chất lượng còn hạn chế; hiệu quả đào tạo, việc làm sau đào tạo chưa bền vững.

Những thách thức đó đặt ra 5 yêu cầu mới đối với gáo dục nghề nghiệp, gồm:

- Tăng quy mô và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo;

- Phát triển giáo dục nghề nghiệp mở và linh hoạt;

- Chuyển đổi mô hình đào tạo truyền thống sang gắn kết doanh nghiệp, doanh nghiệp phải là trường thứ 2.;

- Yêu cầu đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, trong đó tự chủ tài chính trong trường công phải triển khai từ năm 2025;

- Chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong dạy học.

Năm 2020, giáo dục nghề nghiệp đặt mục tiêu tuyển sinh đạt 2.260.000 người, trong đó trung cấp và cao đẳng đạt 580.000 người.

Trao đổi tại Hội nghị, đại diện nhiều trường cho rằng hợp tác nhà trường thể hiện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc mời doanh nghiệp tham gia giảng dạy. Tuy nhiên, sự hợp tác này đang gặp khó do yêu cầu giáo viên đến từ doanh nghiệp cũng phải có chứng chỉ sư phạm dạy nghề... như giáo viên của trường. Do vậy, nếu trường mời về giảng dạy thì sai quy định, một số trường lách bằng cách để giáo viên đứng tên tiết giảng... Các trường đề nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần có quy định mở về tiêu chuẩn đối với giáo viên đến từ doanh nghiệp.

Văn Khoa (Theo TC GDNN)

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top