Phát triển nguồn nhân lực logistics chất lượng và đủ số lượng là một trong những tiêu chí giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam hội nhập trong nền kinh tế quốc tế và ổn định phát triển bền vững.
Doanh nghiệp Logistics không ngừng tăng
Sau hơn ¼ thế kỷ xây dựng và phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã và đang từng bước khẳng định mình. Từ một tổ chức giao nhận nhỏ chuyên về vận tải (Freight Forwarding) chưa hề có danh tiếng nào thì hiện nay cả nước có trên 3.000 doanh nghiệp tham gia cung cấp các loại hình kinh doanh dịch vụ logistics, trong đó có đến 1.472 nhà cung cấp dịch vụ logistics đăng ký cung cấp dịch vụ vận tải, 720 nhà cung cấp dịch vụ logistics đăng ký cung cấp dịch vụ hoạt động kho bãi và 965 nhà cung cấp dịch vụ logistics đăng ký cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Trong những năm qua ngành dịch vụ logistics không chỉ tăng về mặt số lượng mà còn tăng về mặt chất lượng.
Ảnh minh hoạ
Theo báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới ( World Bank), chỉ số LPI (chỉ số đánh giá kết quả hoạt động logistics) của Việt Nam hầu như tăng liên tục trong những năm qua. Năm 2010 xếp hạng 53/150 quốc gia xếp hạng thì năm 2014 đã tăng hạng và xếp 48/150, năm 2018 là 39/150... Điều này cho thấy ngành dịch vụ Logistics của Việt Nam đã được cải thiện về chất lượng mà cụ thể theo bảng thang đo xếp hạng thì các chỉ tiêu có tác động làm cho ngành dịch vụ logistics Việt Nam tăng hạng đó là chất lượng cơ sở vật chất hạ tầng, dịch vụ thủ tục hải quan, thông quan, khả năng kết nối thông tin, thời gian thông quan. hay cũng như năng lực vận tải quốc tế.
Cần 200.000 nhân lực dịch vụ logistics
Khi xem xét kỹ các tiêu chí đánh giá ta thấy có sự trồi sụt giữa các năm và thứ hạng thay đổi rất nhiều và các điểm số này phụ thuộc vào các yếu tố như: chính sách, pháp luật, chất lượng cung ứng của các nhà cung ứng dịch vụ logistics, nguồn nhân lực logistics, công nghệ hạ tầng và yếu tố then chốt để quyết định vấn đề này là chất lượng nguồn nhân lực.
Hiện trạng nguồn nhân lực ngành logistics của Việt Nam còn rất nhiều điểm yếu chưa phát triển tương ứng với sự phát triển của ngành đặc biệt là từ các nhà cung ứng dịch vụ logistics như kho, bãi, vận tải,..và hiện tại còn tồn tại một số vấn đề.
Cụ thể, về quy mô đào tạo, nguồn nhân lực Logistics hiện nay được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau. Đội ngũ quản lý thường là các cán bộ chủ chốt được điều động đến các công ty logistics, các nhà cung ứng dịch vụ logistics. Đội ngũ này đang được đào tạo và tái đào tạo để đáp ứng nhu cầu quản lý. Phần lớn trong số họ thiếu kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh, ít được cập nhật tri thức mới, phong cách lãnh đạo và quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu. Đội ngũ nhân viên nghiệp vụ phần lớn tốt nghiệp ĐH nhưng từ những chuyên ngành ngoài logistics, số còn trẻ chưa được tham gia hoạch định chính sách. Còn lực lượng lao động trực tiếp như bốc vác, xếp dỡ, lái xe, kiểm đếm hàng kho bãi thì đa số có trình độ học vấn thấp, chưa được đào tạo tác phong làm việc chuyên nghiệp. Nhất là trong giai đoạn công nghệ 4.0 ngành logistics có thể được xem là ngành phải thay đổi nhiều khi hệ thống quản lý sẽ dần thay đổi bằng các công nghệ tiên tiến thì đòi hỏi nguồn nhân lực cũng phải đáp ứng.
Số liệu từ Bộ Công Thương, Tổng Cục Thống kê, VLA, VLI và kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Tài chính- Marketing ở 108 hội viên trong Hiệp Hội Logistics Việt Nam giai đoạn từ 9/2017-5/2019 tại khu vực TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai cho thấy gần 53% DN thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn và kiến thức về logistics, gần 30% DN phải đào tạo lại nhân viên và chỉ có 6,7% DN hài lòng với chuyên môn của nhân viên. Theo đánh giá của VLA, chương trình đào tạo về logistics ở VN hiện nay còn sơ lược
Trong số 108 công ty logistics tham gia vào cuộc khảo sát có tới 32,4% công ty có số lượng nhân viên logistics dưới 50 nhân viên đây cũng là một minh chứng cho thấy hầu hết các công ty logistics là công ty vừa và nhỏ, với quy mô như vậy có thể gây ra cản trở cho sự phát triển và cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ logistics. Trong khi số công ty có trên 50 nhân viên đến 100 nhân viên chiếm 18.9% và đặc biệt những doanh nghiệp có trên 1.000 nhân viên chiếm 10,8% điều này cho thấy nhu cầu nguồn nhân lực logistics Việt Nam khá cao. Và điều này cũng đúng như nhận định của Hiệp Hội Dịch Vụ Logistics Việt Nam là theo dự báo đến năm 2030 Việt Nam cần 200.000 nhân lực dịch vụ logistics. Tuy nhiên đây cũng chính là áp lực khi thời đại công nghệ 4.0 đã đến, nguồn nhân lực cần trong vận hành trong ngành logistics không chỉ đơn thuần là các lao động chân tay mà phải gắn với công nghệ.
Toạ đàm Nguồn nhân lực Logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu
Vào ngày 17/4/2021, Trường ĐH Tài chính- Marketing tổ chức buổi toạ đàm với chỉ đề: Nguồn nhân lựcLogistics và chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời đại công nghệ 4.0 với sự tham dự của các doanh nghiệp Logistics, học sinh,sinh viên...
Sinh viên các trường ĐH, học sinh các trường THPT quan tâm đến nội dung này có thể đăng ký tham dự.