• Thứ Sáu, 10 tháng 04, 2020
  • 10:05 GMT +7

Kỳ thi THPT Quốc gia: Bỏ thì dễ nhưng hệ luỵ vô cùng lớn

Thanh Hà (ghi)
Trên nhiều trang báo và mạng xã hội đang tranh luận về việc bỏ hay vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020 do dịch bệnh Covid-19.

Bộ GD- ĐT đang xây dựng hai kịch bản cho kỳ thi THPT quốc gia 2020. Trong đó, có 2 kịch bản đang được bộ cân nhắc. Đó là tình hình dịch Covid-19 kéo dài, sẽ tổ chức xét tốt nghiệp THPT, không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Lúc này, nhiều nhà giáo kêu gọi bỏ kỳ thi THPT quốc gia năm nay do dịch bệnh Covid-19 kéo dài. 

* PGS.TS Nguyễn Kim Hồng (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM):

Phải sửa Luật giáo dục để bỏ kỳ thi THPT quốc gia

Luật giáo dục được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay cho thấy Luật giáo dục đã có khiếm khuyết là không quy định trường hợp dịch bệnh kéo dài như thế này nên chỉ có cách là sửa luật và đây là quyền và trách nhiệm của Quốc hội.

Khi thảo luận Luật giáo dục sửa đổi đã có những đề nghị Bộ Giáo dục - đào tạo nên trả kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho các trường và đưa vào luật việc tự học ở nhà (homeschooling) nhưng không thành. Theo tính toán, mỗi năm có khoảng 900.000 thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia, tỉ lệ đậu lên đến trên 90%.

Còn theo quy định của Luật giáo dục đại học, việc tổ chức xét tuyển đại học là việc của các trường đại học. Các trường đủ năng lực để xét tuyển dùng học bạ và kiểm tra thêm trên cơ sở dùng công nghệ khi tuyển sinh.

Hơn nữa Luật giáo dục có quy định phải thi để công nhận tốt nghiệp THPT nhưng không quy định thi cấp quốc gia hay cấp tỉnh, cấp trường; không quy định thi môn nào, thi mấy môn... mà giao cho cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Giáo dục - đào tạo quyết định.

* TS Phan Hồng Hải (Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP HCM):

Nên để trường phổ thông công nhận tốt nghiệp THPT

Đã từng có nhiều ý kiến trong các lần góp ý Luật giáo dục kiến nghị nên trả kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho các trường nhưng không được xem xét. Lý do được đưa ra là cần có một kỳ thi tốt nghiệp chung để đánh giá năng lực học sinh một cách nghiêm túc, công bằng theo chuẩn chung của cả nước.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay rất nhiều trường ĐH xét tuyển bằng học bạ THPT. Điều này cho thấy các trường ĐH tin tưởng vào chất lượng giảng dạy, kết quả đánh giá của các trường THPT.

Đây là điều hiển nhiên, vì tất cả học sinh đều muốn được lên lớp, thậm chí công nhận tốt nghiệp THPT đều phải trải qua các kỳ kiểm tra, kỳ thi do chính các trường tổ chức đánh giá. Vậy nên việc để các trường THPT tự tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là hoàn toàn phù hợp.

Trước thực tế dịch COVID-19 hiện nay, nhiều trường ĐH cũng đang tính đến chuyện điều chỉnh phương thức tuyển sinh, giảm tối đa chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi THPT quốc gia.

* Ông Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP HCM)

Tôi mong bỏ kỳ thi THPT quốc gia

Đến thời điểm này, Bộ Giáo dục - đào tạo đã hai lần điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học với chủ trương giữ nguyên cách thức thi THPT quốc gia với 9 môn.

Nhưng quỹ thời gian năm học thì đang cạn dần mà học sinh khối 12 vẫn chưa biết khi nào sẽ quay trở lại trường học. Chúng ta không thể để năm học này phạm sang thời gian của năm học sau.

Tôi cho rằng Bộ Giáo dục - đào tạo cần có giải pháp cho vấn đến này. Nếu kỳ thi THPT quốc gia đã được đưa vào luật thì trong từng thời kỳ nhất định của đất nước, Quốc hội và Chính phủ vẫn có thể điều chỉnh luật. Với bối cảnh như hiện nay, ta có thể xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho học sinh dựa vào điểm học tập của các em.

Nhiều người cho rằng các trường THPT triển khai dạy online thì sẽ không phải lo lắng cho học sinh khối 12. Nhưng trên thực tế, dạy online chỉ là giải pháp tình thế, không phải giải pháp căn cơ vì hình thức dạy - học này không đồng bộ và không công bằng với tất cả học sinh. Đâu phải 100% các em đều có máy tính nối mạng để mà học online.

Chưa kể rất nhiều tình huống phát sinh khiến việc dạy học online chưa được như ý muốn (đường truyền đứt, học sinh bị out ra khỏi lớp học trực tuyến…).

Rồi chưa kể khi học sinh trở lại trường học, quỹ thời gian còn rất ít mà các nhà trường vừa dạy phụ đạo cho những học sinh chưa học online, bổ sung cho những học sinh có học online nhưng chưa nắm được bài; vừa cấp tốc dạy bù, ôn thi… Như vậy thì rất áp lực, áp lực cho cả học sinh và giáo viên.

Vì những lý do trên, tôi rất mong Bộ Giáo dục - đào tạo có đề xuất với Quốc hội và Chính phủ về việc bỏ kỳ thi THPT quốc gia.

* TS Nguyễn Đức Nghĩa (nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM)

Bỏ thì dễ, nhưng hệ luỵ vô cùng lớn

Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, học sinh vẫn chưa thể trở lại trường vào tháng 5 thì nhiều khả năng kỳ thi THPT quốc gia 2020 sẽ phải huỷ. Còn, nếu từ nay đến hết tháng 4 không còn ca bệnh nào, Việt Nam đã kiểm sát tốt để học sinh trở lại trường vào tháng 5 thì vẫn nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020.

Bởi lẽ, kỳ thi THPT quốc gia vẫn là kỳ thi cuối cùng của bậc phổ thông đánh giá việc học của học sinh, việc dạy học của các trường. Nếu bây giờ Bộ GD-ĐT thông báo bỏ kỳ thi THPT quốc gia 2020 thì việc tiếp tục dạy, học học kỳ II sẽ ra sao? Chắc chắn các trường THPT sẽ thả cổng... Học sinh sẽ mất đi lượng kiến thức lớn, ảnh hưởng đến tương lai sau này.

Nếu giao cho địa phương xét công nhận tốt nghiệp, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ rất cao, số lượng HS giỏi sẽ rất nhiều. HS giỏi rất nhiều nhưng thực chất lại có rất nhiều HS không giỏi.

Và nếu sớm buông bỏ kỳ thi năm 2020, điều đó sẽ tạo tiền lệ không tốt cho những năm sau.

Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã tinh giản nội dung chương trình, chỉ giữ lại những nội dung căn bản, có tính xuyên suốt và hiện nay việc học online, học trên truyền hình đã được triển khai (dù hiệu quả chưa bằng dạy trên lớp) cùng nhiều cách làm khác cũng đã giải quyết phần nào việc học tiếp tục của học sinh. Do vậy, việc kêu gọi bỏ kỳ thi lúc này là không nên.

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top