Sinh viên học tập trên mô hình. Ảnh: Báo Hà Nội mới
Tại hội nghị về công tác truyền thông Giáo dục nghề nghiệp sáng 26/12, ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết kết quả tuyển sinh năm 2022 tăng 17% so với mục tiêu đề ra của năm.
Đây cũng là con số cao nhất trong 5 năm qua, tính từ năm 2018 đến nay. Trong đó, năm 2018 tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đạt khoảng 2,2 triệu người, năm 2019 và 2020 đạt 2,3 triệu. Riêng năm 2019, hệ thống giáo dục nghề nghiệp chỉ tuyển được 1,95 triệu người học. Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, nguyên nhân chủ yếu là do tác động của dịch Covid-19, việc đào tạo phải chuyển sang hình thức trực tuyến, gây khó khăn trong thực hành, thực tập tại doanh nghiệp.
Ông Bình nhận định, một trong những nguyên nhân giúp tăng số người học nghề trong năm 2022 đến từ công tác truyền thông. Trong bối cảnh chuyển đổi số, trường nghề đã tận dụng các nền tảng mạng xã hội, tổ chức nhiều cuộc thi để kết nối người học. Ngoài ra, công tác phân luồng, định hướng học sinh được duy trì tốt, quan điểm đại học không phải con đường duy nhất để lập nghiệp được lan tỏa.
Ông Bình nói lợi thế của giáo dục nghề nghiệp là số lượng ngành, nghề áp đảo. Hiện bậc trung cấp có khoảng 800 ngành, nghề, cao đẳng 400, chưa tính trình độ sơ cấp và các khóa học ngắn hạn, lấy chứng chỉ.
Do đó, ông Bình cho rằng trong năm tới, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tận dụng những ưu thế của mình, phối hợp với các trường THPT định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ cuối THCS và THPT. "Làm sao để học sinh, người dân hiểu về học nghề, thay đổi được quan niệm chỉ ai kém, dốt mới đi theo lĩnh vực này, nhất là trong bối cảnh yêu cầu lao động tay nghề cao như hiện nay", ông nói.
Hiện, ở bậc đại học, cả nước có khoảng hơn 300 mã ngành. Năm 2022, cả nước có hơn 620.000 học sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm. Trong số này, gần 570.000 thí sinh trúng tuyển.