Gây áp lực cho toàn xã hội
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết trong thời điểm này nên bỏ thi tốt nghiệp THPT. Hiện tại, ở Đà Nẵng, Quảng Nam và cả Quảng Ngãi, gần như khó để có thể tổ chức được kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu vẫn tổ chức thi ở tất cả địa phương khác thì sẽ bất công cho cả 2 nhóm đối tượng được thi tốt nghiệp và không được thi tốt nghiệp.
Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP HCM và cũng là một chuyên gia tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh cũng cho rằng tại thời điểm này, việc tổ chức thi là không cần thiết, gây áp lực cho cả thí sinh (TS) và xã hội. Đặc biệt, kỳ thi đặt áp lực lớn lên vai ngành y tế, và những người nằm trong ban tổ chức vì phải gồng mình để đảm bảo an toàn cho hàng triệu TS tham gia. Tỷ lệ TS rớt tốt nghiệp trong những năm qua dao động ở mức 3%, vậy chúng ta tổ chức một cuộc thi tốn hàng trăm tỉ đồng chỉ để sàng lọc 3% học sinh để làm gì? Tôi cho rằng, việc công nhận tốt nghiệp có thể dựa trên kết quả học tập 12 năm của các em hoặc kết quả học tập 3 năm THPT. Như vậy vừa nhanh chóng, tiết kiệm lại đảm bảo an toàn cho cả học sinh, cán bộ tham gia công tác và đặc biệt là góp phần phòng chống, ngăn chặn sự bùng phát của dịch cúm Covid-19 trên phạm vi cả nước. Việc tuyển sinh vào các trường sau THPT, Bộ GD-ĐT nên trao lại cho các trường ĐH, CĐ đúng tinh thần chủ trương của Đảng cũng như của pháp luật hiện hành về giao quyền tự chủ cho các trường.
Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến phân loại thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2020 theo 4 nhóm là F0, F1, F2 và thí sinh khác để phòng tránh Covid-19.
Tâm lý bất an ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi
Ông Thiều Quang Thịnh, giáo viên Trường THPT Long Thới (H.Nhà Bè, TP.HCM), cho rằng nếu đồng ý với phương án đặc cách cho TS Đà Nẵng, Quảng Nam thì cũng nên cân nhắc và mở rộng thực hiện việc đặc cách hoặc xét tốt nghiệp cho toàn bộ học sinh lớp 12 trên cả nước trong năm học này.
Theo ông Thịnh, học sinh những ngày qua cũng đang có tâm trạng lo lắng, bất an trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Đây cũng là một áp lực lớn trong việc làm bài thi, ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng. “Quyết định dừng tổ chức kỳ thi này hoàn toàn là việc làm đúng thời điểm”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình, Trưởng phòng Sau ĐH, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP HCM, cho rằng tâm lý bất an của TS, phụ huynh trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng làm bài của TS, điều này sẽ khó thực hiện được khả năng phân loại TS trong kỳ thi tuyển sinh.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP HCM), nhận định: “Nếu tổ chức thi, với trên 900.000 TS trên cả nước thì có hàng triệu gia đình có con em tham gia sẽ tập trung vào kỳ thi và đông đảo thành viên tham gia từ các lực lượng xã hội, các ban ngành liên quan... Vậy cớ sao không ngưng thi để cả nước dồn tâm trí lực cho cuộc chiến chống dịch?”.
Ông Phú cũng cho hay nếu chỉ xét đặc cách cho TS Đà Nẵng và Quảng Nam thì lại làm khó cho TS ở khu vực này khi muốn xét vào ĐH, đặc biệt các trường tốp trên… Vì vậy, nếu đặc cách thì thực hiện trên cả nước và công nhận tốt nghiệp, dừng thi tốt nghiệp THPT là một giải pháp phù hợp trong tình thế cấp bách khi xã hội huy động toàn lực cho chống dịch.
Nên lựa chọn sự an toàn
GS-TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, cho biết trong hoàn cảnh này, cần xác định bảo đảm an toàn là số 1. Nếu tổ chức thi tập trung thì phải lo lắng, không biết cách nào đảm bảo an toàn được.
“Trong hoàn cảnh này, có thể quyết định công nhận tốt nghiệp. Việc xét tuyển của mỗi trường ĐH giao cho các trường quyết định. Hiện tại là nguồn lây trong cộng đồng, rất phức tạp. Đảm bảo an toàn là trên hết”, GS-TS Trần Hồng Quân nói.
Không muốn đặt con vào tình huống nguy hiểm
Đồng tình với quan điểm của các nhà quản lý và các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, anh Nguyễn Minh Trí, phụ huynh đang có con học lớp 12 tại trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Vũng Tàu, cho rằng việc tập trung học sinh đi thi trong thời điểm này tôi thấy rất đáng lo. Vẫn biết các con năm nay quá vất vả trong việc học và thi, hiện các con cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi, nếu hủy thì rất tội nghiệp. Nhưng đi thi trong tình trạng nguy cơ lây nhiễm Covid-19 thì còn đáng sợ hơn. Tôi mong muốn các con không bị đặt vào tình huống nguy hiểm.
Cán bộ đi thanh kiểm tra thi cũng bất an
Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng thông tin- Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM), cho biết trường được giao cử 130 cán bộ giảng viên tham gia thanh kiểm tra tại TP HCM. Công tác tập huấn cho cán bộ, giảng viên đã thực hiện xong.
Tuy nhiên, tâm lý của cán bộ, giảng viên được cử tham gia thanh kiểm tra tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 lúc này rất bất an bởi nguy cơ lây nhiễm Covid-19 luôn rình rập. Trong những ngày qua, một số cán bộ, giảng viên trong diện được tập huấn để tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa phải tự cách ly do trở về từ Đà Nẵng. Không biết từ nay đến lúc diễn ra kỳ thi còn được bao nhiêu cán bộ, giảng viên làm nhiệm vụ.