• Thứ Tư, 26 tháng 09, 2018
  • 11:10 GMT +7

Phân luồng: Nói nhiều mà làm chẳng bao nhiêu

Theo Khánh Linh/saigonpress.net
Con đường vào giảng đường ĐH, CĐ ngày càng rộng mở khi học sinh có thể được xét tuyển bằng học bạ THPT thì con đường trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên lại trở nên ngoằn ngoèo gập ghềnh “khó đi”
Phân luồng sau THCS chưa hiệu quả. Trong ảnh: Học sinh học nghề tại Trường Trung cấp Việt Giao
 
TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐHQG TP HCM đưa ra nhận định như trên tại một hội thảo liên quan đến phân luồng học sinh sau THCS do Trường CĐ Quốc tế TP HCM, tổ chức.
 
Phân luồng: Điệp khúc nhắc hoài thấy chán
 
Đầu tháng 6 hàng năm nhiều địa phương trên cả nước đồng loạt tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông (THPT). Kỳ thi này diễn ra trước thời điểm thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ nhưng mức độ căng thẳng cũng không kém, nhất là ở các thành phố lớn chỉ tiêu vào lớp 10 giảm dần hàng năm theo lộ trình trong khi lượng thí sinh tăng hoặc không đổi. 
 
Và mỗi năm cứ đến mùa tuyển sinh lớp 10 vào các trường THPT công lập thì điệp khúc bài toán phân luồng sau trung học cơ sở (THCS) lại được nhắc đến với nhiều băn khoăn lo ngại. TS Nguyễn Đức Nghĩa, cho rằng phân luồng sau THCS không phải là câu chuyện bây giờ mới đặt ra. Trước đây, đã có rất nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, Bộ GD-ĐT đề cập khá kỹ về phân luồng nhằm tạo nguồn lao động có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Bài toán phân luồng sau THCS từ nhiều năm qua không còn là vấn đề của một địa phương mà đã trở thành vấn đề lớn trong cả hệ thống giáo dục, và là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong nhiều năm học gần đây. 
 
Khó nâng tỉ lệ HS THCS đi học nghề
 
Hàng năm có khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp THCS. Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS nói chung hiện được định hướng vào 4 luồng chính là: học tiếp lên THPT; học lên trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) hoặc trung cấp nghề (TCN); vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên và trực tiếp đi làm kiếm sống.
 
Từ năm 2016 trở về trước, hệ thống các trường TCCN đặt dưới sự quản lý của Bộ GDĐT, còn các trường TCN thuộc quản lý của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH). Trước khi hệ thống đào tạo TCCN chuyển giao quản lý từ Bộ GDĐT về Bộ từ năm 2017, số học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN chỉ vào khoảng hơn 10%, con số này vẫn còn quá thấp so với chỉ tiêu 30% học sinh phải vào hệ thống các trường nghề sau THCS vào năm 2020. Có đến 20 trường TCCN không tuyển được học sinh trong năm học 2015–2016. 
 
Số liệu thống kê từ Bộ LĐ-TB-XH tuy có “phấn khởi” hơn, nhưng cũng còn rất xa để đạt được chỉ tiêu. Theo Bộ LĐ-TB-XH, trong năm học 2015–2016 số học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCN và TCCN là 116.222. Như vậy dù lạc quan cách mấy thì với tỉ lệ hiện nay chỉ khoảng 10% học sinh sau THCS được tiếp tục học ở các trường thuộc hệ thống đào tạo nghề nghiệp thì khó lòng trong 3 năm tới nâng tỉ lệ này lên 30%.
 
Tuy được định hướng theo 4 luồng chính sau THCS, nhưng thực tế hiện nay phần lớn các tỉnh, thành phố đều có tình trạng “dồn toa” theo luồng học tiếp lên THPT với tỉ lệ hơn 70%, thậm chí có địa phương hơn 80% (Hà Nội 75%; TP HCM 77%,...). Việc học sinh chọn luồng giáo dục thường xuyên cũng chỉ là một giải pháp của không nhiều học sinh.    
 
Có thể ví von rằng nếu con đường vào giảng đường ĐH, CĐ ngày càng rộng mở khi học sinh có thể được xét tuyển bằng học bạ THPT thì con đường trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên lại trở nên ngoằn ngoèo gập ghềnh “khó đi”.
 
Cần giải pháp cụ thể hơn
 
Lộ trình đến năm 2020 TP HCM phấn đấu có 30% số học sinh tốt nghiệp THCS hoặc THPT sẽ học nghề tại các trường TCCN hoặc TCN thật sự là một nhiệm vụ rất nặng nề, vì con số 30% đó ở năm 2020 sẽ liên quan đến khoảng từ 25 – 30 ngàn học sinh lớp 9 mới chỉ ở độ tuổi 15 – 16.
 
Tuy nêu được nguyên nhân bất cập trong việc phân luồng học sinh sau THCS như việc lựa chọn nghề của học sinh còn theo tâm lý đám đông, tâm lý xã hội chạy theo bằng cấp, hệ thống thông tin thị trường lao động thiếu cập nhật, thị trường việc làm cho những người học nghề, trung cấp còn hạn chế, hầu hết các trường THCS (và kể cả các trường THPT) không có phòng tư vấn hướng nghiệp và cũng không có kinh phí để tổ chức công tác giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tiễn để học sinh được tìm hiểu về các ngành, nghề phổ biến tại địa phương,... nhưng xem ra các giải pháp để khắc phục các bất cập vẫn còn khá chung chung như tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh, triển khai khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, khung trình độ quốc gia, hoàn thiện Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo hướng đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS; ...
 
“Hệ thống đào tạo nghề nay đã hoàn toàn do Bộ LĐ-TB-XH quản lý, do đó việc phối hợp giữa Bộ GDĐT với Bộ LĐ-TB-XH trong chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục trung học thực hiện việc giáo dục hướng nghiệp, tư vấn nghề; thực hiện thí điểm mô hình kết hợp dạy văn hóa phổ thông và dạy nghề là điều hết sức cần thiết”- TS Nguyễn Đức Nghĩa, nói. 

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top