• Thứ Ba, 31 tháng 07, 2018
  • 20:59 GMT +7

Phương thức thi THPT Quốc gia nên được giữ ổn định đến năm 2020

Sau 9 giờ thảo luận, đa số các chuyên gia cho rằng phương thức thi THPT Quốc gia như hiện nay vẫn phù hợp và nên được giữ ổn định đến hết năm 2020.

Các chuyên gia nêu ý kiến về kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh fb Le Truong Tung
 
Liên quan đến những sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay xảy ra ở 2 tỉnh Hà Giang và Lạng Sơn, vào ngày 30/7, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã mời các chuyên gia giáo dục cùng trao đổi, phân tích những nguyên nhân, cũng như giải pháp hướng tới việc làm trong sạch công tác thi cử; đồng thời bàn bạc phương hướng tổ chức kỳ thi trong những năm tới đây.
 
Cuộc làm việc do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì đã kéo dài 9 giờ đồng hồ với sự tham gia của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chuyên gia tâm huyết với lĩnh vực giáo dục và đại diện một số trường Đại học lớn. Ngay trong phần phát biểu đầu tiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá: Sai phạm trong kỳ thi năm nay tại một số địa phương là đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến lòng tin của xã hội vào kỳ thi, vào đổi mới thi cử. Ngay từ khi sự việc bắt đầu được phát giác, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ đối với Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo là phải làm nghiêm minh, công tâm, đúng người đúng tội.
 
Cũng sau khi xảy ra sai phạm ở một số địa phương, có những ý kiến cho rằng cần phải cân nhắc lại việc có nên tiếp tục duy trì phương thức thi THPT Quốc gia như hiện nay hay không? Các ý kiến đều hết sức thẳng thắn, cởi mở và trực diện.
 
Kỳ thi THPT Quốc gia hiện nay được tổ chức nhằm lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh Đại học, Cao đẳng. Từ năm 2017, công tác tổ chức kỳ thi được giao cho các địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo cử thanh tra ủy quyền từ các trường Đại học về giám sát công tác tổ chức, coi thi, chấm thi.
 
Tuy nhiên, trước những sai phạm vừa xảy ra ở Hà Giang và Sơn La, nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết tổ chức thi tốt nghiệp lớp 12, để địa phương xét tốt nghiệp. "Có thể giao cho địa phương tự tổ chức thi tốt nghiệp" là ý kiến của một số chuyên gia khác.
 
Tuy nhiên, với việc chạy theo thành tích và tiêu cực xảy ra ở không ít nơi như hiện nay, liệu kết quả thi có đúng thực chất? Liệu tấm bằng tốt nghiệp THPT của học sinh Việt Nam có được quốc tế chấp nhận hay không?
 
Sau 9 giờ đồng hồ thảo luận, đa số các ý kiến đồng thuận rằng phương thức thi THPT Quốc gia như hiện nay vẫn phù hợp và nên được giữ ổn định đến hết năm 2020. Vấn đề quan trọng nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhìn nhận một cách nghiêm túc, thấu đáo và cầu thị về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu cực xảy ra. Ngoài sai phạm của địa phương, Bộ cũng phải chịu trách nhiệm trong hai khâu ra đề thi và lỗ hổng về bảo mật trong quy trình chấm thi.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe ý kiến các chuyên gia một cách cầu thị, nghiêm túc, phải nhìn nhận đúng trách nhiệm của mình và sớm đưa ra những giải pháp tối ưu để khắc phục các hạn chế về quy trình tổ chức thi.
 
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết kỳ thi THPT Quốc gia hiện nay là bước đi trong lộ trình đổi mới thi cử ở Việt Nam. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ cần sớm công bố công khai lộ trình này để xã hội và các chuyên gia được biết. Điều quan trọng là trong quá trình triển khai không để những sai sót về kỹ thuật và quy trình tổ chức làm phát sinh tiêu cực, gây ảnh hưởng tới lòng tin của xã hội về kỳ thi cũng như công tác đổi mới thi cử hiện nay.
 
Theo vtv

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top