PGS- TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trường Bộ GD-ĐT, hôm 24/4, cho biết việc hỗ trợ các trường tuyển sinh được đưa ra trên cơ sở đề nghị của các trường ĐH cũng như phân tích thuận lợi, khó khăn phát sinh khi tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.
"Với sự hỗ trợ này, thí sinh không phải tốn thời gian, công sức, kinh phí đi lại, nộp hồ sơ dự tuyển nhiều nơi, rồi lại đi rút nếu không đúng nguyện vọng", ông Phúc nói và cho rằng việc lọc ảo tốt cũng sẽ giúp các trường có khả năng tuyển một số lượng chỉ tiêu hợp lý ngay từ đợt tuyển sinh đầu.
Với sự thay đổi của kỳ thi THPT năm nay, một số trường tổ chức thi riêng hoặc tổ chức thi theo nhóm trường. Bộ GD- ĐT sẽ có giải pháp hỗ trợ tổ chức thi, đăng ký xét tuyển, lọc ảo theo nhóm trường. Hiện, Bộ hoàn thiện quy chế tuyển sinh và sẽ ban hành trong những ngày tới.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc. Ảnh: Nguyệt Hà.
Trước ý kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 với đề thi giảm độ phân hóa sẽ gây khó cho các trường trong lựa chọn kết quả thi THPT để xét tuyển, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, cho rằng các trường đại học cần đẩy mạnh tự chủ đại học, lựa chọn phương thức phù hợp để chọn thí sinh đáp ứng tốt nhất.
Theo thống kê của Bộ, trong 3 năm qua, kết quả tuyển sinh của toàn hệ thống có xu hướng giảm dần tỷ trọng trúng tuyển từ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, tăng dần tỷ trọng trúng tuyển từ học bạ và các phương thức khác.
Cụ thể, số thí sinh trúng tuyển thông qua sử dụng kết quả thi TPHT quốc gia năm 2017 chiếm 81,5%; năm 2018 chiếm 73,6%; năm 2019 là 62,4% trong tổng số thí sinh trúng tuyển. Trong đó, số thí sinh trúng tuyển bằng xét kết quả học bạ năm 2018 chiếm 18%, năm 2019 chiếm gần 30%. Còn lại là các phương thức khác (từ thi đánh giá năng lực, thi năng khiếu, văn hóa, sử dụng chứng chỉ quốc tế...) khoảng 10%.
Xu hướng này cũng thể hiện rõ trong đề án tuyển sinh riêng của các trường đại học khi ngày càng nhiều trường sử dụng kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh, trong đó phương thức tự tổ chức thi riêng cũng đã được một số trường top trên xác định và chuẩn bị từ nhiều năm trước.
Theo ông Phúc, sự thay đổi này đúng với tinh thần tự chủ của Luật Giáo dục đại học, phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục đại học và xu thế tuyển sinh thế giới, trong đó việc tuyển sinh được tổ chức nhiều kỳ trong năm, hợp nhiều phương thức xét tuyển, sử dụng cả kết quả học tập THPT (điểm GPA), điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm các kỳ thi chuẩn hóa để tuyển sinh đại học (SAT, ACT...).
Về ý kiến lo ngại để các trường tự chủ tuyển sinh sẽ dẫn đến tình trạng trăm hoa đua nở, mỗi trường tổ chức một kỳ thi riêng dẫn đến áp lực, tốn kém, Thứ trưởng Phúc cho rằng việc này khó xảy ra. Thống kê những năm qua cho thấy số trường thi tuyển sinh riêng rất ít, chỉ 3-4% tổng số thí sinh trúng tuyển. Năm nay dự đoán số trường tham gia thi tuyển sinh riêng tăng lên, nhưng chủ yếu là một số trường top trên, số thí sinh tăng lên nhưng sẽ không đột biến.
"Sẽ chỉ có những trường ĐH thuộc nhóm ngành đào tạo đặc thù như Y dược, Công an, Quân đội, hoặc nhóm trường, nhóm ngành năng khiếu nghệ thuật... và một số trường ĐH có mức độ cạnh tranh cao, có những yêu cầu riêng về chất lượng đầu vào có nhu cầu tự tổ chức kỳ thi thi", ông Phúc nói. Ước tính, 10-20% học sinh THPT lựa chọn tham dự các kỳ thi tuyển sinh riêng này, đa phần các trường vẫn có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển vào ĐH. Chưa kể, các trường sẽ có xu hướng liên kết lại để tổ chức thi tuyển sinh chung.
Ngày 22/4, Bộ GD- ĐT báo cáo Thủ tướng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và được chấp thuận. Thí sinh sẽ thi ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một trong hai bài thi tổng hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân), khi chấm chỉ đưa về một đầu điểm duy nhất chứ không tách ra các điểm thành phần như trước đây.
Do kỳ thi THPT quốc gia không còn, nhiều trường đại học phải điều chỉnh phương án tuyển sinh. Các trường top trên như Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Bách khoa Hà Nội tổ chức kỳ thi riêng như một phương thức xét tuyển.