Trường ĐH Luật TP HCM tiếp tục được xây dựng để trở thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật
Theo quyết định vừa được phê duyệt, mục tiêu của Đề án là tiếp tục tập trung nguồn lực xây dựng 2 trường ĐH nêu trên thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật; trung tâm nghiên cứu và truyền bá pháp lý hàng đầu trong các cơ sở đào tạo pháp luật của Việt Nam, có vai trò dẫn dắt trong hệ thống các cơ sở đào tạo luật của cả nước, có uy tín trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Đề án xác định về đào tạo: Tổng quy mô của hai trường đến năm 2025 đạt khoảng 36.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh. Tăng quy mô đào tạo văn bằng hai, thạc sĩ, tiến sĩ 10%/năm. Có một số chuyên ngành trọng điểm mũi nhọn, đáp ứng yêu cầu của Việt Nam và quốc tế. Tỷ lệ sinh viên/giảng viên đến năm 2025 không quá 25 sinh viên/1 giảng viên;
Đến giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030: Tăng quy mô đào tạo đạt khoảng 49.000, chú trọng tăng quy mô đào tạo các chương trình chất lượng cao, trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Đến năm 2030, tỷ lệ sinh viên/giảng viên không quá 20 sinh viên/1 giảng viên; quy mô tuyển sinh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trung bình không thấp hơn 20% quy mô tuyển sinh trong năm. Tiếp tục khẳng định thế mạnh đào tạo trong các lĩnh vực pháp luật; phát triển các ngành, chuyên ngành đào tạo mới ở trình độ đại học, thạc sĩ; tiếp tục phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao. Phát triển đa dạng chương trình và mở rộng các hình thức đào tạo gồm đào tạo cơ bản, đào tạo nâng cao, đào tạo theo đơn đặt hàng của các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp.
Về nghiên cứu khoa học: Phấn đấu đến năm 2025 có 100% giáo sư, phó giáo sư và 85% tiến sĩ của trường chủ trì hoặc tham gia thực hiện đề tài, đề án khoa học và công nghệ các cấp; công bố ít nhất 100 bài báo trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới; bình quân mỗi năm trong giai đoạn thực hiện 10 - 20 đề tài cấp quốc gia hoặc cấp bộ, cấp tỉnh, ít nhất 01 - 02 nghiên cứu hợp tác với các đối tác quốc tế, tổ chức 9 hội thảo quốc gia, quốc tế, xuất bản khoảng 20 sách chuyên khảo;
Đến giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030: Bình quân mỗi năm công bố ít nhất 200 bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới và đạt tỷ lệ trung bình một giảng viên cơ hữu mỗi năm công bố từ 0,3 bài báo quốc tế trở lên, có 12 - 25 đề tài khoa học cấp quốc gia hoặc cấp bộ, cấp tỉnh, 10 chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học với đối tác nước ngoài; có ít nhất 13 hội thảo quốc gia, quốc tế và 30 đầu sách mới/năm. Đến năm 2030, số hóa tất cả các bài báo được công bố trên Tạp chí Luật học và Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam; tiếp tục phát triển các đề tài khoa học các cấp, giáo trình, sách tình huống, tham khảo, chuyên khảo, chú trọng chất lượng các bài viết đăng trên tạp chí quốc tế…
Về nhân lực và tổ chức bộ máy: Giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025: Trường ĐH Luật Hà Nội có đội ngũ giảng viên cơ hữu khoảng 450 người, Trường ĐH Luật TP HCM có khoảng 350 người, trong đó, tối thiểu 40% giảng viên có trình độ tiến sĩ, 20 - 30% có chức danh giáo sư, phó giáo sư, ít nhất 30% giảng viên sử dụng thành thạo ngoại ngữ; ít nhất 70% lãnh đạo cấp phòng, 50% viên chức có thể giao tiếp bằng ngoại ngữ; đội ngũ giảng viên thỉnh giảng đông đảo, có chất lượng; tăng cường trao đổi giảng viên giữa các cơ sở đào tạo luật.
Đến năm 2030 mỗi trường có khoảng 600 giảng viên, trong đó 40 - 45% giảng viên có trình độ tiến sĩ, 25 - 30% giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư, ít nhất 50% giảng viên sử dụng thành thạo ngoại ngữ; giảng viên thỉnh giảng có thể đảm nhiệm ít nhất 20% khối lượng giảng dạy; tăng cường trao đổi giảng viên với các cơ sở đào tạo luật ngoài nước; 90% lãnh đạo cấp phòng, 70% viên chức có thể giao tiếp bằng ngoại ngữ; 100% viên chức có khả năng ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong công việc.
Về hợp tác trong nước và quốc tế đến năm 2025: Đạt 80 thỏa thuận với các cơ sở đào tạo nước ngoài; 40 thỏa thuận hợp tác trong nước. Tăng số lượng chuyên gia nước ngoài đến làm việc, phấn đấu đạt 15 giảng viên nước ngoài/năm; có ít nhất 20 chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên/năm. Mỗi trường hằng năm chủ trì tổ chức ít nhất 01 cuộc thi phiên tòa tranh tụng quốc tế, tham gia ít nhất 03 cuộc thi tranh tụng giả định bằng tiếng Anh (ở cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế).
Từ năm 2026 đến năm 2030: Đạt 150 thỏa thuận với các cơ sở đào tạo nước ngoài; 85 - 100 thỏa thuận hợp tác trong nước. Phấn đấu đạt 30 giảng viên nước ngoài/năm; có ít nhất 30 chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên/năm. Mỗi trường hằng năm chủ trì tổ chức ít nhất 2 cuộc thi phiên tòa tranh tụng quốc tế, tham gia ít nhất 05 cuộc thi tranh tụng giả định bằng tiếng Anh (ở cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế).
Ngoài ra, Đề án cũng xác định nhiều nội dung quan trọng về phổ biến, tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và phục vụ cộng đồng; về cơ sở vật chất và công nghệ thông tin của 2 cơ sở đào tạo. Đề án cũng xác định cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện Đề án là Bộ Tư pháp đối với Trường ĐH Luật Hà Nội và Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với Trường ĐH Luật TP HCM.
Trước đó vào năm 2013, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 549/QĐ-TTg, ngày 04/4/2013 phê duyệt Đề án tổng thể xây dựng Trường ĐH Luật Hà Nội và Trường ĐH Luật TP HCM thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật. Qua 7 năm thực hiện Đề án cả 2 cơ sở đào tạo cán bộ pháp luật lớn nhất nước đã đạt được nhiều kết quả khả quan làm tiền đề để tiếp tục xây dựng và triển khai Đề án vừa được phê duyệt.