• Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022
  • 16:54 GMT +7

Trẻ vị thành niên có hành vi tự huỷ hoại bản thân

Thuỷ Anh/nguồn HCMUE
Nguồn: Không xác định
có 5,6% tự hủy hoại bản thân ở mức nặng, xu hướng biểu hiện trẻ vị thành niên thực hiện rất thường xuyên (từ 12 lần trở lên/năm) để lại hậu quả rất nghiêm trọng

Ths Mai Thị Mỹ Hạnh

Ths Mai Thị Mỹ Hạnh đưa ra kết quả khảo sát tại hội thảo

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Chăm sóc sức khoẻ tinh thần” do Trường ĐH Sư phạm TP HCM tổ chức ngày 27/12.

GS- TS Huỳnh Văn Sơn dẫn báo cáo của Bộ Y tế cho biết vấn đề rối loạn tâm thần đang có chiều hướng gia tăng. Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có gần 15 triệu người. Ai cũng có thể mắc rối loạn tâm thần, ít nhất là ở một giai đoạn, thời điểm nào đó trong đời. Do đó, để có được sức khoẻ tinh thần, mỗi cá nhân cần ý thức cân bằng lại cảm xúc, duy trì lối sống lành mạnh, đồng thời học cách định hướng suy nghĩ một cách tích cực.

Theo Ths Mai Thị Mỹ Hạnh, Phó trưởng Khoa Tâm lý học- Trường ĐH Sư phạm TP HCM, do nhân cách chưa thống nhất và bền vững nên tuổi vị thành niên dễ bị ảnh hưởng bởi tác động xung quanh. Đôi khi những thất bại đến sớm, những mối quan hệ xung quanh không như ý muốn, ảnh hưởng từ trào lưu tiêu cực… khiến lứa tuổi này dễ gặp các vấn đề tâm lí hơn.

Ths Mai Thị Mỹ Hạnh, cho biết kết quả khảo sát thực trạng hành vi tự huỷ hoại bản thân của 3.400 trẻ vị thành niên ở các đô thị phía Nam Việt Nam cho thấy có khoảng 37% trẻ có nguy cơ tự huỷ hoại bản thân. Kết quả nghiên cứu sâu hơn cho thấy 6,1% (213 trẻ) cố ý tự thực hiện hành vi gây hại, gây tổn thương, thương tích chính mình (1 đến 4 lần/năm)….

“Cuối cùng, có 5,6% tự hủy hoại bản thân ở mức nặng, xu hướng biểu hiện trẻ vị thành niên thực hiện rất thường xuyên (từ 12 lần trở lên/năm) để lại hậu quả rất nghiêm trọng”- Ths Mai Thị Mỹ Hạnh chia sẻ.

Sức khoẻ tinh thần của sinh viên tại TP HCM cũng được đề cập tại hội thảo. Học viên cao học Lâm Thanh Nghĩa cùng cộng sự Đỗ Tất Thiên của Trường ĐH Sư phạm TP HCM khi khảo sát 604 sinh viên tại TP HCM trong thời điểm dịch COVID-19 cho thấy sinh viên có nguy cơ trầm cảm nặng là 43,2%, trầm cảm trung bình 32,2%, nhẹ là 19%. Biểu hiện trầm cảm của sinh viên có mức độ xuất hiện từ 7 đến 12 ngày; thực trạng lo âu ở mức nặng chiếm 41%, mức trung bình là 39%, mức nhẹ là 20%..

Từ những thực trạng nêu trên, nhóm nghiên cứu gồm GS-TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, và PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đã đưa ra những khuyến nghị chính sách tại TP HCM trong chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Theo đó, nhóm nghiên cứu kiến nghị xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng; cải thiện số lượng và chất lượng dịch vụ có sự phối hợp trên địa bàn thành phố; xây dựng hệ thống chăm sóc đại trà và chăm sóc chuyên biệt về sức khỏe tâm thần hậu Covid-19; đầu tư vào các công trình nghiên cứu toàn diện về sức khỏe tâm thần tại TP…

Thuỷ Anh/nguồn HCMUE

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top