• Thứ Hai, 16 tháng 11, 2020
  • 11:29 GMT +7

TS Lê Trường Tùng: Tự chủ đại học không có nghĩa là tự túc, tự trị

Vân Anh (BT)
Về bản chất, tự chủ không có nghĩa là tự túc. Đặc biệt trong giáo dục đại học - một lĩnh vực dịch vụ vừa mang tính công ích, vừa mang tính tư ích

TS Lê Trường Tùng phát biểu tại buổi toạ đàm: Tự chủ ĐH và những vướng mắc cần tháo gỡ do Báo Người lao động tổ chức

TS Lê Trường Tùng phát biểu tại buổi toạ đàm: Tự chủ ĐH và những vướng mắc cần tháo gỡ do Báo Người lao động tổ chức, ngày 12/11. 

Phát biểu tại buổi toạ đàm: Tự chủ ĐH và những vướng mắc cần tháo gỡ do Báo Người lao động tổ chức, ngày 12/11, TS TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT cho rằng tự chủ có nhiều cách hiểu khác nhau theo các góc nhìn xã hội, chính trị, pháp luật. Khái niệm tự chủ được đưa vào Luật Giáo dục ngay từ 1998, cũng được đưa vào Luật Giáo dục Đại học (ĐH) năm 2012, nhưng chỉ được cụ thể hóa trong giáo dục ĐH qua triển khai thí điểm 2015-2017, sau đó chi tiết hóa trong Luật Giáo dục ĐH 2018. Từ góc độ quản trị một trường ĐH, tự chủ có thể hiệu theo các cách: “tự quyết” và “tự túc”. Tự chủ khi kèm theo yêu cầu “tự túc” đã mang thêm yếu tố kinh tế chứ không đơn thuần là khái niệm xã hội, chính trị, pháp luật nữa.

Tự chủ không phải tự lo

Theo TS Lê Trường Tùng, về bản chất, tự chủ không có nghĩa là tự túc. Đặc biệt trong giáo dục ĐH - một lĩnh vực dịch vụ vừa mang tính công ích (tạo nguồn nhân lực trình độ cao nâng cao vị thế cạnh tranh của quốc gia, giảm tệ nạn xã hội - việc phải chăm sóc xã hội thường tập trung vào những người văn hóa thấp), vừa mang tính tư ích (đáp ứng nhu cầu học tập, tạo cơ hội có thu nhập cao hơn cho từng cá nhân) - cho nên giáo dục ĐH đều hoạt động với nguồn thu từ cả công và tư.

Ở Việt Nam, nguồn lực công cho giáo dục ĐH thể hiện qua đầu tư xây dựng cơ bản, qua chi ngân sách hàng năm cho trường công, và hỗ trợ các trường tư qua chính miễn giảm thuế và ưu đãi thuê đất giáo dục, còn nguồn lực tư là đầu tư mở trường từ các thành phần ngoài công lập, và quan trọng nhất cho cả trường công và tư là từ nguồn học phí của người học. Việc chi từ ngân sách cho giáo dục ĐH không chỉ là thực hiện chính sách phúc lợi cho người học, mà thực tế là nghĩa vụ của nhà nước chi cho những gì mà quốc gia được thụ hưởng sau này. Vấn đề hiện nay là ngân sách hạn chế, nên đã lồng nội dung “tự túc” này vào như một điều kiện của tự chủ.

Dù đầu tư từ nguồn nào thì một trong các yếu tổ để đảm bảo chất lượng là chi phi đào tạo/sinh viên phải đủ lớn. Hiện nay mức chi phí trung bình đào tạo ĐH ở Việt Nam dưới 1.000 đô-la Mỹ/năm/sinh viên, chỉ bằng 1/20 chi phí của Úc. Trong các năm tới, Việt Nam cần phải nâng suất đầu tư từ nhiều nguồn lên nhiều lần - chắc phải gấp 5 con số này trong 10 năm tới (tương đương với Thái Lan, và bằng 5-10% Mỹ, Úc hiện nay) để có điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo ở mức tối thiểu. Tự chủ ĐH cần phải góp phần giải quyết vấn đề này. Do ngân sách hạn chế, Việt Nam chỉ có một cách để tăng tổng chi tiêu trung bình là dành nguồn ngân sách cho số ít sinh viên hơn, và có thể thực hiện theo 2 cách: thực hiện lộ trình tự chủ gắn với lộ trình tăng học phí trường công, và tăng tỷ trọng sinh viên trường tư song song với giảm tỷ trọng sinh viên trường công.  

TS Lê Trườn Tùng đặt vấn đề là cần xây dựng hành lang pháp lý là việc vay, bảo lãnh nợ vay và trả nợ vay của các trường công tự chủ tài chính (quyền tự chủ trong “thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển” - điều 32.5 Luật Giáo dục ĐH). Vay từ các nguồn (vay ngân hàng, phát hành trái phiếu học đường, vay cán bộ giảng viên…) để đầu tư phát triển trường là một giải pháp để phát triển nhanh, nhưng việc trả nợ (là nợ công vì của trường công) trong tương lai có thể lại là thuộc nhiệm kỳ tiếp sau, và nếu như không trả nợ được thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Tự quyết và trách nhiệm giải trình

Tự quyết là quyền tự chủ của các trường ĐH được quyết định các vấn đề về chuyên môn - học thuật, về tổ chức - nhân sự, về tài chính - tài sản trong hành lang pháp lý (“theo quy định của pháp luật”) và các quy định nội bộ khác. Đây là quyền rất quan trọng, khác cơ chế xin cho - được phép mới được làm như trước đây. Luật Giáo dục ĐH năm 2018 chính thức cho các trường ĐH tự chủ trong việc mở ngành, liên kết quốc tế, còn tự chủ trong xác định chỉ tiêu và cách thức tuyển sinh đã thực hiện trước đó.

Chúng ta cũng hay gắn tự chủ với việc bỏ bộ chủ quản. Thực ra việc bỏ bộ chủ quản không phải là bỏ cơ quan quản lý cấp cao hơn, mà thực chất là để tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi trong hoạt động quản lý nhà nước. Thông thường chúng ta cũng hay nói về việc tự chủ và “cởi trói” cho các trường công. Trên thực tế các trường tư cũng không được hoàn toàn “tự trị” căn cứ vào các quy định quản trị nội bộ - bên trên hiệu trưởng là hội đồng trường, bên trên hội đồng trường là đại hội đồng cổ đông.

Một trong những vấn đề thường gây tranh cãi là với việc tự chủ của các trường ĐH, việc “tự quyết” và nguyên tắc “làm những gì không cấm” được hiểu và vận dụng như thế nào, nguyên tắc “làm những gì không cấm” có áp dụng cho các trường ĐH công hay không, nguyên tắc “chưa có hành lang pháp lý chưa được làm” xung khắc với “làm những gì không cấm” như thế nào?

Từ năm 2019, Bộ GD-DT đã yêu cầu các trường công khai Đề án tuyển sinh hằng năm với các thông tin về đào tạo, giảng viên, cơ sở vật chất và tài chính, tiếp nối các Báo cáo 3 công khai trước đây. Đây là một bước tiến tới minh bạch thông tin.

Bước theo của Đề án tuyển sinh hằng năm mà Bộ GD-ĐT đang yêu cầu các trường công bố để phục vụ tuyển sinh - có lẽ chính là Báo cáo Đại học Thường niên, Báo cáo Tài chính ĐH có kiểm toán - việc này sẽ góp phần chuẩn hóa các nội dung quản trị ĐH, tạo sự minh bạch thông tin, cụ thể hóa trách nhiệm giải trình đối với giáo dục ĐH, đặc biệt trong bối cảnh tăng cường tự chủ.

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top