Các ý kiến tại hội thảo
Sáng 11-4, Trường ĐH Mở TP HCM tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số trong Giáo dục đại học với bối cảnh Toàn cầu hóa và Công nghiệp 4.0” với sự tham dự của đại diện Bộ GD-ĐT, cùng các chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số..
Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề: Chuyển đối số trong hoạt động quản lý sinh viên và quản trị nhà trường; Chuyển đổi số trong hoạt động đánh giá sinh viên đại học; Chuyển đổi số trong phát triển học liệu phục vụ sinh viên; Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho việc phát triển đại học số; Thái độ và nhận thức của người học, giảng viên và xã hội đối với việc giáo dục đại học số; Cơ chế/chính sách và nền tảng pháp lý để thúc đẩy và thực hiện thành công chuyển đổi số; Kinh nghiệm của thế giới vệc chuyển đổi số trong giáo dục đại học; Đổi mới phương pháp giảng dạy trong bối cảnh Công nghiệp 4.0.
Nêu ý kiến tại hội thảo, GS- TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Kinh tế cho rằng: đích đến của hệ sinh thái của đại học số, đó là sinh viên ra trường có kiến thức và năng lực đáp ứng nhu cầu việc làm của thời đại số.
Vì vậy, GS Thọ Đạt cho rằng các trường đại học phải xác định được mục tiêu chuyển đổi số cái gì và làm như thế nào để chuyển đổi số hiệu quả, thành công. Với góc nhìn của cá nhân, GS Thọ Đạt đề xuất các trường cần rà soát lại chương trình đào tạo và các môn học để thay đổi phù hợp.
TS Lê Thị Thanh Thu, Trường ĐH Mở TPHCM thì cho rằng các cơ sở giáo dục ĐH cần có chiến lược hỗ trợ phát triển kỹ năng số cho giảng viên và sinh viên thông qua các chương trình đào tạo và nâng cao năng lực. TS Thu nêu 5 lĩnh vực chính mà các cơ sở giáo dục ĐH cần tổ chức đào tạo và cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho giảng viên, gồm: nhận thức về sở hữu trí tuệ, thực hành sư phạm, kỹ năng số, phát triển mô hình học tập cá nhân hóa và hỗ trợ kỹ thuật số cho giảng viên lớn tuổi.
Theo PGS- TS Vũ Hữu Đức, Chủ tịch hội đồng chuyên môn - Khoa Đào tạo Sau ĐH, Trường ĐH Mở TPHCM, khi nghiên cứu tiếp cận chuyển đổi số dưới góc độ hệ sinh thái, mô hình giáo dục đại học ở Malaysia là mô hình Việt Nam nên tham khảo. Bởi theo PGS.TS Hữu Đức, Malaysia có chương trình phát triển về công nghệ thông tin rất công phu, nổi bật nhất là khung giáo dục đại học Malaysia 4.0.
"Malaysia cho rằng giáo dục đại học là một hợp thể sinh thái. Họ cũng tiến hành khá đồng bộ bốn nhánh: chương trình đào tạo, quản trị đại học, thu hút nhân tài, nghiên cứu và phát triển. Vì vậy, với nền tảng công nghệ và sự chuyển dịch trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay của các trường, việc đi theo mô hình của Malaysia là khá phù hợp"- PGS- TS Hữu Đức nói.
GS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM, khẳng định việc triển khai và thực hiện chuyển đổi số đã trở thành một yêu cầu tất yếu cho mọi tổ chức, trong đó có các tổ chức giáo dục ĐH. Để đáp ứng được sứ mạng cốt lõi đó, từ rất sớm, trường đã có những chiến lược phù hợp và những bước phát triển trong việc ứng dụng công nghệ thông tin. Các hệ thống này đều được dần dần nâng cấp và phát triển hàng năm.
Hiện nay tất cả các hoạt động giảng dạy, học tập, các công tác quản lý chức năng của Trường đều đã sử dụng công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, tuân thủ các quy định kỹ thuật của hệ thống cơ sở dữ liệu ngành và Trường đang trong giai đoạn tích hợp các hệ thống công nghệ thông tin. Bên cạnh đó các quy định cũng được ban hành, điều chỉnh để phù hợp với môi trường hoạt động trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin. Trường ĐH Mở TPHCM đang tiếp tục đẩy mạnh việc việc chuyển đổi và ứng dụng CNTT trong giảng dạy và quản lý của nhà trường nhằm theo kịp tiến độ phát triển của thế giới"- GS Hà cho biết.