Sinh viên UFM thảo luận nhóm
Thông tin cho biết, trong đợt tuyển dụng này, Trường ĐH Tài chính- Marketing (UFM) tuyển 43 chỉ tiêu, theo hình thức xét tuyển. Trong đó, vị trí giảng viên 35 chỉ tiêu. Với giảng viên có trình độ từ tiến sĩ trở lên, trường có chính sách “lót tay” với số tiền lên đến nửa tỉ đồng.
Khoản "lót tay" hậu hĩnh
Được biết đến với sứ mệnh cung cấp môi trường học tập và nghiên cứu tiên tiến, Trường ĐH Tài chính- Marketing không ngừng nỗ lực tìm kiếm các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực trường đang tổ chức chức đào. Với kế hoạch tuyển dụng này, trường mong muốn tạo ra một lực lượng giảng viên thật sự có chất lượng nhằm hiện thực hoá mục tiêu phát triển.
PGS-TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính- Marketing, cho biết để thu hút nâng cao trình độ, trường đã đề ra chính sách khuyến khích giảng viên của trường nâng cao trình độ và chi “lót tay” thu hút giảng viên mới, chuyển về trường công tác. Cụ thể, đối với các giảng viên được nhà trường cử đi học, khi hoàn thành khóa học đúng thời hạn theo quyết định hoặc được nhà nước công nhận học vị hoặc được nhà nước phong tặng chức danh khoa học, thì nhà trường khuyến khích bằng tiền. theo đó, người có học hàm, học vị Giáo sư (GS) nhận mức 500 triệu đồng (dưới 50 tuổi), 400 triệu đồng (từ 50 đến 55 tuổi); tương tự với Phó GS lần lượt là 300 triệu và 200 triệu; học vị tiến sĩ do các trường nước ngoài cấp được Bộ GD-ĐT công nhận là 100 triệu, tiến sĩ đào tạo trong nước 60 triệu đồng.
Đối với các giảng viên mới, chuyển về trường công tác, có học hàm học vị cao, được nhà trường thu hút ban đầu (hỗ trợ 1 lần) định mức chi giành cho tiến sĩ học toàn phần ở nước ngoài, do các trường nước ngoài cấp bằng, được Bộ GD-ĐT công nhận là 150 triệu đồng, đào tạo trong nước 100 triệu đồng. Với GS và Phó GS, mức chi tương tự như trên (từ 200 trệu đồng đến 500 triệu đồng).
"Chúng tôi tin rằng chìa khóa để tiến xa trong hành trình nghiên cứu và giảng dạy là có được một đội ngũ GS và nhà nghiên cứu tài năng và đa dạng. Chúng tôi cam kết cung cấp một môi trường làm việc tích cực và hỗ trợ để họ có thể phát triển toàn diện và đóng góp vào sứ mệnh của trường"- PGS- TS Phạm Tiến Đạt, chia sẻ.
Theo lãnh đạo nhà trường, kế hoạch tuyển dụng này không chỉ đơn thuần là một cơ hội cho các nhà giáo và nghiên cứu gia có kinh nghiệm, mà còn mở ra cơ hội cho các nhà nghiên cứu trẻ tuổi và tài năng mới. Trong bối cảnh môi trường học thuật ngày càng cạnh tranh, Trường ĐH Tài chính- Marketing hy vọng thu hút những người trẻ có tài năng để họ có thể thúc đẩy sự đổi mới và tiến bộ trong các lĩnh vực khác nhau.
Tầm nhìn đầy tham vọng
Với việc tuyển dụng và chính sách thu hút nhân tài giảng viên như vậy, Trường ĐH Tài chính- Marketing đang từng bước khẳng định cam kết của mình trong việc xây dựng một cộng đồng học thuật vững mạnh và tạo ra những đóng góp ý nghĩa cho xã hội và nhân loại. Qua đó, trường đã đặt một dấu ấn mới trong hành trình tiến xa trên con đường phát triển và nâng cao uy tín của mình trong giới giáo dục và nghiên cứu quốc tế.
Trong mục tiêu phát triển, đến hết năm 2026, trường đặt mục trở thành một trường ĐH định hướng ứng dụng, duy trì đạt chuẩn quốc gia cấp cơ sở giáo dục và cấp chương trình đạo. Đến hết năm 2030, trường đạt đẳng cấp trường ĐH uy tín của khu vực ASEAN; đến hết năm 2045, trường được xếp hạng trong top 500 trường ĐH danh tiếng khu vực Châu Á (theo chuẩn xếp hạng có uy tín) và trở thành cơ sở giáo dục ĐH định hướng ứng dụng hàng đầu của Việt Nam và khu vực ASEAN.
Sinh viên UFM học tại thư viện
Để thực hiện mục tiêu trên, Trường ĐH Tài chính- Marketing đã xây dựng nhiều nội dung mang tính chiến lược, trong đó có phát triển đội ngũ. Theo đó, trường xây dựng đội ngũ viên chức, đặc biệt là đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn, có đủ năng lực tiếp cận với những kiến thức hiện đại, có phẩm chất và trách nhiệm của nhà giáo. Toàn bộ đội ngũ viên chức của trường đều được đào tạo về kiến thức và kỹ năng chuyển đổi số nhằm đảm bảo áp dụng công nghệ số vào hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các hoạt động quản trị nhà trường.
Đào tạo đội ngũ kế cận có đủ đức đủ tài, đảm bảo sự kế thừa và phát triển vững chắc để thực hiện tốt mục tiêu chiến lược phát triển của trường cũng là mục tiêu được đề ra. Theo đó, đến năm 2025, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên đạt tối thiểu 25%; trình độ thạc sĩ 75%; tỉ lệ giảng viên có chức danh GS và Phó GS tối thiểu 3%. Tỉ lệ giảng viên trên tổng số viên chức duy trì ở tỷ lệ khoảng 75%.
Đến năm 2030, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ khoảng 28%; thạc sĩ 72%. Tỉ lệ giảng viên có chức danh GS và Phó GS đạt 4 - 5%. Giai đoạn 2030 – 2045, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ khoảng 40%; thạc sĩ 60%. Tỉ lệ giảng viên có chức danh GS và Phó GS đạt 10%.
Thực hiện kế hoạch nâng cao năng lực đội ngũ, Trường ĐH Tài chính- Marketing đề ra nhiều nhóm giải pháp. Trong đó, thực hiện tuyển dụng người có học vị tiến sĩ, thạc sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài hoặc tốt nghiệp ĐH loại xuất sắc từ nhiều nguồn để bổ sung cho đội ngũ giảng dạy.
Xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao từ bên ngoài, nhất là thu hút các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành tham gia vào công tác giảng dạy, nghiên cứu, tư vấn.
Xây dựng chính sách chi trả thu nhập và quản trị thu nhập dựa trên hiệu quả công việc thông qua các chỉ tiêu mục tiêu công việc và hiệu quả chính (OKPs), các chỉ số đo lường đánh giá hiệu quả công việc (KPIs) và các công cụ đo lường, đánh giá phù hợp với mô hình quản trị ĐH của trường.
Trường ĐH Tài chính - Marketing có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ ĐH và sau ĐH theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế đáp ứng nhu cầu của xã hội; nghiên cứu và chuyển giao những thành tựu khoa học, công nghệ về kinh doanh, quản lý phục vụ công tác hoạch định chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.
Thông tin liên hệ:
TS Cao Tấn Huy, Phó Hiệu trưởng: 0915.667.312, email: caohuy@ufm.edu.vn;
TS Nguyễn Tấn Hưng, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính: 0918.458.583, email: nt.hung@ufm.edu.vn