• Thứ Ba, 10 tháng 09, 2024
  • 18:18 GMT +7

Học cao đẳng: Tiết kiệm chi phí, nhanh chóng có việc làm

Học cao đẳng sẽ tiết kiệm một khoản chi phí không nhỏ mà người học cần cân nhắc để hạn chế dở dang con đường học tập.

PGS-TS Bùi Văn Hưng

PGS-TS Bùi Văn Hưng

PGS-TS Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II chia sẻ việc vì sao nhiều bạn trẻ quyết định chọn học cao đẳng (CĐ) thay vì đổ xô vào đại học (ĐH) như trước đây

- PV: Năm 2024, cả nước có 1.071.393 thí sinh thi tốt nghiệp THPT nhưng chỉ có 733.000 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH... và rồi chỉ có 551.479 thí sinh xác nhận nhập học đợt 1. Theo ông, còn 338.393 thí sinh không xét tuyển ĐH sẽ chọn hướng đi nào?

PGS-TS Bùi Văn Hưng: Thị trường lao động đang rất cần nguồn nhân lực trình độ CĐ, đặc biệt là các nhóm ngành kỹ thuật và dịch vụ. Phần lớn người học đã tìm hiểu kỹ về nhu cầu, xu hướng việc làm nên ngay từ đầu không ĐKXT ĐH mà quyết định chọn học CĐ. Số còn lại người học chủ động tham gia các khóa học nghề, học tiếng để đi xuất khẩu lao động sang hàn Quốc, Nhật Bản, Đức…

- Như ông đã nói, học sinh tốt nghiệp THPT có xu hướng học CĐ tăng trong những năm qua. Vậy, đâu là lý do bậc CĐ hấp dẫn người học?

PGS-TS Bùi Văn Hưng: Như tôi đã nói ở trên, doanh nghiệp cần lao động trình độ CĐ, họ sẵn sàng trả mức lương cao, thậm chí cao hơn nhiều so với trình độ ĐH nếu có kỹ năng nghề cao.  Trước hết là người học thấy được cơ hội việc làm rộng;  dễ dàng liên thông lên ĐH, thời gian đào tạo ngắn và hơn hết là học phí thấp (chưa kể các ngành được miễn, giảm học phí theo Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH ngày 1506/2023).

Học phí là một trong những “gạch đầu dòng” để gia đình và bản thân người học quan tâm. Nếu học ngành được giảm 70% học phí thì chỉ 4,5 triệu đồng/ năm. Như vậy, để sở hữu tấm bằng CĐ thì người học chỉ mất hơn 11 triệu đồng. Đây cũng là cách để người học chia sẻ khó khăn về tài chính.

- Ở bậc CĐ, những ngành học nào đang được ưa chuộng nhất hiện nay và vì sao?

PGS-TS Bùi Văn Hưng: Đến thời điểm này, các ngành kỹ thuật vẫn hút người học như Công nghệ ô tô; Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm); Thiết kế đồ họa… Kế đến là nhóm ngành kinh tế-Dịch vụ: Kỹ thuật chế biến món ăn; logistics… Điều này cũng đã được phản ánh qua kết quả khảo sát và dự báo nhu cầu lao động của Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM (Falmi).

- Các trường CĐ đã làm gì để thu hút sinh viên và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động?

PGS-TS Bùi Văn Hưng: Trước đòi hỏi ngày càng cao về kỹ năng nghề của doanh nghiệp đối với người lao động, Trường CĐ Kỹ Nghệ II xác định mục tiêu thực học-thực hành; chủ động phối hợp với doanh nghiệp thực hiện xây dựng chương trình; tham gia đào tạo và đánh giá đầu ra. Theo đó, bên cạnh đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm còn có các chuyên gia đến từ doanh nghiệp, trong đó có cựu sinh viên của trường.

Thời lượng thực hành chiếm trên 70%, còn lại là lý thuyết cũng tạo điều kiện để các bạn rèn tay nghề, trang bị tốt kỹ năng thực hành. Đó là một trong những lợi thế mà các bậc học khác không có và đây cũng là “điểm cộng” trong tuyển dụng của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trường còn chú trọng đầu tư trang thiết bị đào tạo theo sát doanh nghiệp, đảm bảo người học sớm được trải nghiệm môi trường doanh nghiệp.

- Vậy thưa ông, học CĐ có thực sự là một lựa chọn tốt cho tương lai?

PGS-TS Bùi Văn Hưng: Bậc học nào cũng có thế mạnh và giá trị riêng, tùy vào năng lực, sở trường, đam mê và sự dấn thân của mỗi người. Thực tế có những gương điển hình xuất thân từ trường CĐ, thậm chí bắt đầu chỉ bắt đầu với tấm bằng trung cấo. Từ một người làm thuê, phấn đấu trở thành kỹ thuật viên giỏi nghề, không ít đã sớm gia nhập cộng đồng khởi nghiệp với chính nghề mà họ đã học.

Trước thực trạng thất nghiệp ngày càng tăng ở bậc ĐH, học CĐ là lựa chọn an toàn. Ngoài ra, học CĐ sẽ tiết kiệm một khoản chi phí không nhỏ mà người học cần cân nhắc để hạn chế dở dang con đường học tập.

Linh Thuỷ/nguồn CĐ Kỹ nghệ II

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top