• Thứ Hai, 30 tháng 09, 2024
  • 19:47 GMT +7

PGS-TS Bùi Văn Hưng: Mỗi sinh viên là một đại sứ nghề

Phương Mai
Chính các em sinh viên là những người lan tỏa nghề nghiệp, công việc của mình và lan tỏa hình ảnh của nhà trường.

PGS-TS Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II đã chia sẻ về tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp, những thách thức, giải pháp mà trường áp dụng trong công tác tuyển sinh, đào tạo…

- Thưa PGS-TS Bùi Văn Hưng, theo ông, đâu là những thách thức lớn nhất mà các trường cao đẳng đang phải đối mặt trong công tác tuyển sinh hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt với các trường đại học?

PGS-TS Bùi Văn Hưng: Cảm ơn câu hỏi của bạn. Đây cũng là vấn đề mà các trường CĐ quan tâm nhất hiện nay. Trước hết phải đề cập đến các phương thức xét tuyển ở bậc ĐH, trong đó có phương thức tuyển sinh bằng học bạ. Ở rất nhiều ngành, thí sinh đã đăng ký xét tuyển là trúng tuyển. Cũng ở bậc học này, các trường ồ ạt mở ngành, tuyển sinh tràn lan, hạ thấp đầu vào ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Những năm gần đây, người học nói riêng và xã hội nói chung quan tâm hơn đến giáo dục nghề nghiêp (GDNN), tuy nhiên hiểu về giá trị, vị thế của GDNN trong xã hội còn hạn chế. Thêm nữa, một bộ phận phụ huynh vẫn còn tâm lý cho con vào ĐH bằng mọi giá mà quên rằng học CĐ sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp, được doanh nghiệp săn đón, được miễn, giảm học phí (nếu học các nghề thuộc danh mục nghề nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm theo Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH ngày 15/06/2023)…

PGS-TS Bùi Văn Hưng

PGS-TS Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II

- Trường CĐ Kỹ nghệ II đã áp dụng những giải pháp nào để thu hút sinh viên trong những năm gần đây? Những giải pháp nào đã mang lại hiệu quả cao nhất?

Trường CĐ Kỹ Nghệ II xác định lấy người học làm trung tâm, sẵn sàng lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người học, tiếp thu ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, qua đó điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo… đảm bảo vì quyền lợi người học.

Mỗi sinh viên là một đại sứ nghề, Trường CĐ Kỹ Nghệ II kỳ vọng như thế. Chính các em lan tỏa nghề nghiệp, công việc của mình và lan tỏa hình ảnh của nhà trường.

Bên cạnh các buổi tư vấn tập trung, đón học sinh về trường tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm nghề, trường cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hình ảnh của GDNN trên các nền tảng như báo viết, báo điện tử, truyền hình, mạng xã hội hội về những chính sách về GDNN của nhà nước, những ưu đãi đối với người học, xu hướng nghề nghiệp…

Mỗi giải pháp đều mang lại hiệu quả nhất định, trong đó việc tuyên truyền những tấm gương thành đạt bước ra từ trường CĐ được phụ huynh, học sinh quan tâm.

- Ông có nhận định gì về việc liên kết giữa trường cao đẳng với doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và hỗ trợ sinh viên tìm việc làm? Đây có phải là một giải pháp hiệu quả để thu hút sinh viên vào học cao đẳng không?

Theo tôi, việc ký kết hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là hướng đi đúng, mang lại nhiều quyền lợi, cơ hội cho người học. Trong hợp tác đó, các nội dung được thực hiện như: xây dựng chương trình đào tạo; đánh giá đầu ra, cử chuyên gia doanh nghiệp đào tạo; thực tập, tuyển dụng…

Hợp tác này được phối hợp chặt chẽ giữa hai bên và đặt quyền lợi người học lên trên hết, thực làm, không hình thức, không ký kết để quảng bá hình ảnh. Theo đó, Trường CĐ Kỹ nghệ II đã xây dựng mạng lưới doanh nghiệp có uy tín ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề trường đang đào tạo để hợp tác lâu dài, trong đó doanh nghiệp do chính cựu sinh viên sáng lập và điều hành là một lợi thế.

HVCT

Trường CĐ Kỹ nghệ II xác định mỗi sinh viên là một đại sứ nghề

- Với sự phát triển của công nghệ thông tin, ông có cho rằng các trường cao đẳng nên đầu tư mạnh mẽ hơn vào các hình thức quảng bá trực tuyến và các nền tảng số để tiếp cận sinh viên?

Công nghệ số đã và đang ứng dụng vào tất cả các lĩnh cực, ngành nghề. Cùng với việc quảng bá tuyển sinh truyền thống, Trường CĐ Kỹ nghệ II cũng tăng cường thông tin trên các nền tảng số. Đầu tư công nghệ số phục vụ tuyển sinh phải đi đôi với nội dung bởi hiện nay có nhiều nội dung được “thổi phồng”, nói quá sự thật khiến phụ huynh và người học chưa tin tưởng. Nội dung tuyên truyền trên bất kỳ nền tảng nào cũng phải chắt lọc, đúng, ngắn gọn, dễ hiểu để tránh bị “nhiễu”.

- Theo ông, cần có những chính sách nào từ phía nhà nước để hỗ trợ các trường cao đẳng phát triển?

Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) đã có nhiều chính sách dành cho người học nghề từ sơ cấp đến CĐ cũng như đào tạo nghề cho người lao động có nhu cầu chuyển đổi công việc.

Với mục tiêu đào tạo và cung ứng nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập, các trường nghề rất cần được Nhà nước đầu tư thêm về trang thiết bị đào tạo xứng tầm doanh nghiệp, đặc biệt là các nghề trọng điểm của các tỉnh, thành, của quốc gia, khu vực...

Bên cạnh đó, giảng viên các trường cũng cần học tập, nghiên cứu và tiếp cận các chương trình đào tạo tiên tiến của các quốc gia có GDNN phát triển, có khả năng triển khai tại Việt Nam.

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top