Sáng ngày 25/12, tại Lào, Trường ĐH Tài chính - Marketing và Trường CĐ Tài chính Nam Lào tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh và tư tưởng Kaysone Phomvihane trong giải quyết khủng hoảng kinh tế”.
Tham dự hội thảo có sự hiện diện của thầy Phong Si Su Pan Phom Ma Vong, Giám đốc Học viện Tài chính (Lào); TS. Khăm Sênh BUA LA PHĂN, Hiệu trưởng Trường CĐ Tài chính Nam Lào (Lào); TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing (Việt Nam); đại diện lãnh đạo Trường Cao đẳng Tài chính Bắc Lào, Học viện chính trị Hành chính quốc gia; Sở Tài chính, Thuế, Hải quan thuộc Bộ Tài chính (Lào); cùng đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia, giảng viên của các trường.
Đại biêu trình bày tham luận
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phong Si Su Pan Phom Ma Vong, Giám đốc Học viện Tài chính (Lào) nhấn mạnh tầm quan trọng của Tư tưởng Hồ Chí Minh và tư tưởng chủ tịch Kaysone Phomvihane trong việc giải quyết những khó khăn về kinh tế. Giải pháp tháo gỡ khó khăn về kinh tế là khai thác các nguồn thu nhập của nhân dân, nâng cao tay nghề cho người lao động trở thành chuyên gia, phát triển nông thôn trở thành thị trấn nhỏ ở nông thôn, sử dụng công nghệ hiện đại để tham gia vào quá trình sản xuất - kinh doanh và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường với các tiện ích phục vụ sinh hoạt và hoạt động xã hội.
Giải quyết nghèo đói bắt đầu từ yếu tố con người là lực lượng quan trọng và yếu tố chủ yếu, phát triển nguồn nhân lực là vấn đề quyết định sự tiến bộ và phát triển của một quốc gia, sự giàu có của tài nguyên có được khai thác và tận dụng tối đa lợi thế hay không phụ thuộc vào yếu tố con người, các nước đang phát triển hiện nay coi phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu cho sự phát triển đất nước.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing cho biết, Hội thảo “Tư tưởng Hồ Chí Minh và tư tưởng Kaysone Phomvihane” được tổ chức vào năm 2023 đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng, mở ra những góc nhìn mới mẻ về giá trị tư tưởng của hai nhà lãnh đạo vĩ đại trong lịch sử hai nước Việt Nam và Lào. Tiếp nối thành công đó, năm 2024, hội thảo sẽ tiếp tục đào sâu, nghiên cứu về tư tưởng của hai nhà lãnh đạo, đặc biệt là cách tiếp cận và giải quyết khủng hoảng kinh tế trong bối cảnh hiện đại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh và tư tưởng Kaysone Phomvihane không chỉ là những di sản tinh thần quý giá, mà còn là kim chỉ nam cho các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, việc vận dụng linh hoạt và sáng tạo các giá trị tư tưởng này sẽ giúp chúng ta tìm ra những giải pháp hữu hiệu, bền vững.
Hội thảo lần này là cơ hội để chúng ta cùng nhau thảo luận, chia sẻ các nghiên cứu, quan điểm và sáng kiến xoay quanh chủ đề khủng hoảng kinh tế và cách giải quyết. “Tôi tin rằng, với sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và giảng viên giàu kinh nghiệm từ cả hai trường, hội thảo sẽ mang lại nhiều kết quả thiết thực, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế của hai nước” TS. Lê Trung Đạo nhấn mạnh.
Các đại biểu tham gia Hội thảo cũng đã được lắng nghe 7 bài tham luận. Cụ thể:
Tham luận “Tư tưởng Kay Son Phôm Vi Han về phân cấp quản lý ngân sách tại nước CHDCND Lào”, TS Khăm Sênh BUA LA PHĂN, Hiệu trưởng Trường CĐ Tài chính Nam Lào
Tham luận “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giải quyết khủng hoảng kinh tế và phát triển bền vững”, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Linh, Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng UFM
Tham luận “Phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước theo hướng xã hội chủ nghĩa”, TS. Phô Thông XAY THIP VÔNG SA
Tham luận “Ý nghĩa Tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm đối với việc xử lý khủng hoảng kinh tế”, ThS. Nguyễn Minh Hiền, Phó Trưởng khoa Lý luận chính trị UFM
Tham luận “Tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế và sự vận dụng vào phát triển ngành du lịch ở Thành phố Phú Quốc hiện nay”; ThS. Hoàng Thị Mỹ Nhân, Giảng viên UFM;
Tham luận “Tư tưởng Kay Son PHÔM VI HÁN về tình hữu nghị Lào Việt Nam”, ThS. Lắt Ta Văn SENH SA VÀNG
Tham luận “Chính sách ngoại tệ với phát triển kinh tế tại Lào”, Thầy Som Chit chua vang
Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu của 2 nước Việt Nam và Lào cùng trao đổi, học hỏi và tìm ra những phương án phù hợp nhằm ứng phó với khủng hoảng kinh tế, góp phần phát triển 2 đất nước phát triển bền vững và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị lâu dài giữa 2 Đảng, 2 Nhà nước quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt toàn diện Lào – Việt Nam, Việt Nam – Lào mãi mãi xanh tươi đời đời bền vững.