• Thứ Sáu, 03 tháng 09, 2021
  • 17:57 GMT +7

Cung cấp vắc xin tinh thần cho người dân

Nhằm hỗ trợ sức khoẻ tinh thần cho người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại TP HCM, từ ngày 5/9, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM) triển khai chương trình “Vắc xin Tinh thần” cho người dân.

PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP HCM, cho biết thông tin trên.

- PV: Vì sao cần Vắc xin Tinh thần, thưa bà?

PGS-TS Ngô Thị Phương Lan: Đại dịch Covid-19 đã kéo dài hơn một năm rưỡi qua, đặc biệt bùng phát mạnh mẽ ở TP HCM và các tỉnh phía Nam từ tháng 5 đến nay. Thực tế này đã gây đảo lộn cuộc sống và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cả sức khỏe thể lý lẫn sức khỏe tinh thần của con người. Đại dịch Covid-19 đã làm tăng tỉ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tinh thần, bao gồm tỉ lệ mắc trầm cảm, căng thẳng, rối loạn lo âu, ý định tự tử trên toàn thế giới.

PGS-TS Ngô Thị Phương Lan

PGS-TS Ngô Thị Phương Lan

Tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu của nhóm giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM) vào tháng 8- 2021 cho thấy trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều người dân cảm thấy lo âu, trầm buồn, căng thẳng/stress, buồn chán, bứt rứt trong người, cáu gắt, mất hứng thú, mất động lực, khó tập trung, đau đầu, mất ngủ… và có nhu cầu được hỗ trợ tâm lý rất cao.

Bệnh nhân, thân nhân, người lao động và học sinh, sinh viên là những nhóm có nguy cơ chịu tổn thương cao bởi Covid-19, có nhu cầu được hỗ trợ, trấn an tâm lý, tinh thần để vượt qua đại dịch. Trong bối cảnh đại dịch, ngoài sức đề kháng cơ thể, con người cần huy động một hệ thống miễn dịch khác về mặt tinh thần, hay còn gọi là sức đề kháng tinh thần. Do vậy, có thể khẳng định sức khỏe thể lý và tinh thần có một mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Hiện nay cả nước đang dồn lực cho chiến dịch tiêm vắc xin cho toàn TP HCM. Chúng tôi cho rằng ngoài những liều vắc xin này, người dân Thành phố cần có “vắc xin tinh thần” để gia tăng sức đề kháng toàn diện cho cơ thể trước sự tấn công của đại dịch Covid-19.

- Mục tiêu của Chương trình là gì?

PGS-TS Ngô Thị Phương Lan: Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, một trong 7 trường đại học thành viên của ĐHQG TP HCM, là Trường có bề dày trong nghiên cứu khoa học, một trong những chiến lược quan trọng của Trường là hướng tới phục vụ cộng đồng. Trước thách thức của những căng thẳng, hoang mang, tổn thương tinh thần do dịch bệnh Covid-19 trầm trọng và kéo dài, Nhà trường mong muốn chung tay cùng TP HCM đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, đáp ứng nhu cầu của Thành phố muốn xây dựng chương trình phổ rộng giúp nhân dân củng cố nội lực của bản thân tạo nên sức mạnh tinh thần từ bên trong.

Với những ý nghĩa đó, Trường thực hiện “Vắc xin Tinh thần” -  Chương trình hỗ trợ sức khỏe tinh thần miễn phí cho người dân trong bối cảnh đại dịch covid-19 tại TP HCM.

Chương trình đề xuất nhằm:

Đẩy lùi đại dịch Covid-19 = 5K + Vắc xin tiêm + Vắc xin tinh thần

Chương trình có sự tham gia của đội ngũ chuyên gia đa ngành, giảng viên, sinh viên và học viên sau đại học;Trung tâm Thực hành tham vấn - trị liệu tâm lý, Trung tâm Thực hành công tác xã hội; phòng chuyên môn phụ trách công tác nghiên cứu khoa học, công tác truyền thông và Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo  thuộc Trường và đa dạng nguồn lực kết nối với chuyên gia có chuyên môn sâu và nhiều kinh nghiệm.

- Bà có thể khái quát về nội dung Chương trình?

PGS-TS Ngô Thị Phương Lan: Chương trình được bắt đầu triển khai vào ngày 5-9-2021 và dự kiến kết thúc vào cuối năm 2022 hoặc kéo dài tùy vào tình hình diễn tiến của đại dịch.

Dựa trên mô hình cung cấp dịch vụ sức khỏe tinh thần cho từng nhóm nhu cầu, Nhà trường đề xuất Chương trình có 3 nhóm nội dung hoạt động chính gồm:  

Phòng ngừa phổ quát nâng cao sức khỏe tinh thần: Chương trình tư vấn khẩn cấp cho người có nguy cơ thấp, có các dấu hiệu lo lắng, căng thẳng, hoang mang nhẹ, chưa đạt mức bệnh lý; giáo dục và truyền thông các chiến lược nhận thức, thể lý, cảm xúc ứng phó với tác động tiêu cực của Covid-19 thông qua các hình thức dễ tiếp cận về mặt nghe/nhìn, các chương trình tập huấn và chia sẻ trên truyền hình, radio, truyền thông mạng xã hội…; nhằm nâng cao sức đề kháng tinh thần: gia tăng sự lạc quan, khả năng thích nghi, phát triển năng lượng tích cực, bồi đắp sự bình an bên trong; giúp cá nhân trấn an, thích nghi, đương đầu tốt hơn với dịch bệnh, đầu tư năng lượng tích cực cho hoạt động học tập và lao động.

Các hoạt động chính của chương trình phòng ngừa bao gồm:

Triển khai các buổi hội thảo trực tuyến (webinar) và các chương trình đào tạo (workshop) nâng cao năng lực cho các nhóm cộng đồng dân cư trong phòng ngừa các vấn đề sức khoẻ tâm thần.

Phối hợp cùng Đài tiếng Nói nhân dân TP.HCM thực hiện chương trình radio Tâm an vượt qua đại dịch, phát vào 9h30-10h00 thứ 7, 21h30-22h00 Chủ nhật trên sóng AM 610kzh từ 11/9/2021 phối hợp với ban Khoa học và Đời sống – báo Tri thức và Cuộc sống xuất bản các bài viết tư vấn tâm lý, các chủ đề hỗ trợ về sức khỏe tâm lý cho bạn đọc.

Các nội dung, thông điệp của Chương trình cũng sẽ được cập nhật tại tài khoản Youtube: Người Nhân văn, Tiktok: Người Nhân văn.

Triển khai tư vấn và hỗ trợ khủng hoảng tâm lý thông qua:

- Tư vấn trực tiếp cho các cá nhân gửi thông tin cho ban tư vấn thông qua fanpage chương trình: https://www.facebook.com/vacxintinhthan để được đội ngũ tư vấn, hỗ trợ;

- Tư vấn trực tiếp thông qua cổng thông tin 1022 (Sở Thông tin truyền thông)

Tham vấn và trị liệu tâm lý: Chương trình đáp ứng cho khoảng 15-20% người dân có nguy cơ vừa/trung bình đến cao. Nhóm đối tượng này có thể là người có các biểu hiện bệnh lý về lo âu, trầm cảm, nguy cơ tự tử, bị sang chấn vì nhiễm bệnh hoặc mất người thân do Covid-19…Các chuyên gia của Chương trình cũng sẽ tư vấn cho người dân tại các khu vực cách ly, khi vực đang chữa trị.

Chương trình phối hợp với Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện dã chiến số 12 để tư vấn tâm lý cho bệnh nhân đang chữa trị tại đây.

Các chuyên gia tâm lý của Chương trình sẽ tham vấn tâm lý cho rộng rãi cho các cá nhân có nhu cầu thông qua tổng đài 0987 111 801 (Tổng đài tư vấn tâm lý miễn phí của chương trình Vắc xin tinh thần). Với trường hợp cá nhân gặp phải bệnh lý nặng, sẽ được hỗ trợ tham vấn, trị liệu lâu dài.

Hỗ trợ tái hòa nhập hậu Covid-19: Chương trình nhằm hỗ trợ cho người dân tái phục hồi sau khi được can thiệp, giúp họ tìm thấy nguồn lực để tăng trưởng thông qua cung cấp thông tin về việc làm, phát triển bản thân, học tập và lao động hay các chương trình hỗ trợ của chính phủ, của thành phố…

Với chương trình Vắc xin Tinh thần, Trường mong muốn kết nối các nguồn lực và tích hợp các dịch vụ/chương trình nhằm cung cấp nhiều dịch vụ đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân ở TP: được cung cấp thông tin, giáo dục phòng ngừa phổ quát nâng cao sức khỏe tinh thần, các nhu cầu tham vấn trị liệu tâm lý chuyên sâu và nhu cầu hỗ trợ hòa nhập/kết nối với dịch vụ cộng đồng. Qua đó, giúp người dân được thụ hưởng hoạt động hỗ trợ đa dạng và tính bền vững không chỉ trong đại dịch mà kể cả trong quá trình tái hòa nhập hậu Covid-19.

Thanh Hiền/nguồn USSH

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top