• Thứ Hai, 09 tháng 01, 2023
  • 22:25 GMT +7

Logistics và quản lý chuỗi cung ứng vì sao được nhiều trường đào tạo?

Nhật Linh (TH)
Mỗi năm, Việt Nam cần 30.000 đến 40.000 lao động làm việc trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng nên ít nhất trong 10 năm tới sinh viên tốt nghiệp ngành này đều dễ dàng có việc làm.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh 2022

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh 2022

Ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng ở Việt Nam không có lịch sử lâu đời như nhiều ngành đào tạo khác. Nó hình thành và bùng nổ khi Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngày càng nhiều trường đào tạo

Khoảng hơn 10 năm trước, ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng đã được một số trường đại học tổ chức đào tạo và ngày càng phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng. Chỉ tính riêng ở Hà Nội và TPHCM đã có hơn 30 trường đào tạo ngành này.

Kết quả tuyển sinh hằng năm tại nhiều trường ĐH cho thấy ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng luôn có nguồn tuyển dồi dào và điểm trúng tuyển luôn ở mức cao. Tại Trường ĐH Thương mại, điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT của ngành này là 27 điểm - mức điểm cao nhất cùng với 2 ngành khác là marketing thương mại và quản trị thương mại điện tử.

Tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, điểm chuẩn của ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng là 28,20 - mức cao nhất trong số hàng chục ngành đào tạo của trường. Tại Trường ĐH Kinh tế TPHCM, mức điểm chuẩn của ngành này là 27,70,  chỉ sau ngành kiểm toán (27,80). Ở các trường ĐH khác như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Trường ĐH Quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM), Trường ĐH Công nghiệp TP HCM… mức điểm chuẩn từ 24,50 trở lên.

PGS-TS Hồ Thanh Phong - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quản lý và Công nghệ TP HCM - cho biết nhu cầu nhân lực ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng rất lớn nên ngày càng có nhiều trường ĐH tổ chức đào tạo. Hiện nay, nhà trường cũng đang khẩn trương hoàn tất hồ sơ mở ngành.

Nhu cầu cao

Theo PGS-TS Hồ Thanh Phong, ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng ở Việt Nam chỉ mới phát triển sau này khi nước ta tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo ông, khái niệm kho vận (kho và vận tải) đã có từ rất lâu nhưng khái niệm logistic chưa phát triển vì lúc đó chưa toàn cầu hóa. Khi toàn cầu hóa, các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia lo tìm nguyên liệu ở  nhiều chỗ khác nhau và mở nhiều nhà máy ở nhiều nơi để cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần. Từ đó, tối ưu hóa trong một nhà máy trở thành tối ưu hóa trong một chuỗi để nối tất cả các nhà cung ứng, nhà máy lại thành chuỗi cung ứng. Hay nói khác hơn, chuỗi cung ứng phát triển theo sự toàn cầu hóa của các tập đoàn. Chẳng hạn Nike, Adidas họ có thể có nhà máy ở khắp nơi trên thế giới, các nhà máy đó liên kết với nhau tạo thành chuỗi.

Việt Nam đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nên nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này rất lớn. Dẫn báo cáo của Bộ Công Thương, PGS-TS Hồ Thanh Phong cho biết logistics cần 30.000-40.000 lao động/năm. “Từ nay đến 10 năm nữa, sinh viên tốt nghiệp ngành này được dự báo luôn có việc làm vì ngành đang rất thiếu nhân lực” - ông nhấn mạnh.

TS Đàng Quang Vắng - Trưởng khoa Kinh tế Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM - cho rằng Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế mở và có độ mở rất cao, giá trị xuất - nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ngày càng cao, luôn lớn hơn nhiều so với tổng thu nhập quốc nội (GDP). Logistics và chuỗi cung ứng là cung cấp dịch vụ hậu cần phục vụ cho xuất - nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ nên nhu cầu về số lượng và chất lượng nhân lực rất lớn để có thể đáp ứng với hội nhập sâu, rộng của nền kinh tế Việt Nam đối với kinh tế thế giới.

Sinh viên ra trường thường làm việc cho các công ty dịch vụ logistics, các cảng biển, hàng không (dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng bên ngoài)… Bên cạnh đó, sinh viên ra trường cũng có thể làm việc tại công ty sản xuất, thương mại với các công việc như: mua hàng hoặc nhập khẩu, tổ chức sắp xếp kho bãi nguyên vật liệu, hàng hóa; xây dựng quy trình sản xuất và cung cấp dịch vụ, bán hàng hoặc xuất khẩu… (dịch vụ logistics và logistics bên trong).

TS Đàng Quang Vắng cho rằng nhu cầu nhân sự ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong tương lai rất lớn nhưng yêu cầu chất lượng nhân lực sẽ cao hơn và có sự cạnh tranh rất lớn khi có nhiều trường đại học, kể cả trường ĐH nước ngoài đang đào tạo ngành này.

=> Những trường đang đào tạo logistics và quản lý chuỗi cung ứng

Hiệp hội Logistics định nghĩa logistics có 3 chức năng chính là kho, vận tải và xuất nhập khẩu. Trường nào mạnh về kinh tế sẽ dạy sâu về xuất nhập khẩu; trường thiên về kỹ thuật sẽ dạy sâu về cảng, nhà kho; trường mạnh về vận tải sẽ dạy sâu về vận tải; trường nào mạnh về toán sẽ dạy sâu về tổ chức quản lý vận tải. Như vậy, đào tạo ngành này cũng rất đa dạng.

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top