• Thứ Hai, 17 tháng 06, 2024
  • 17:00 GMT +7

Không ăn chuối, ăn trứng, đậu đen trước khi thi?

L. Quyên/nguồn OU
rước mỗi kỳ thi, việc duy trì sức khỏe toàn diện không chỉ ảnh hưởng đến kết quả thi mà còn ảnh hưởng đến tinh thần và tâm lý, thể chất của thí sinh sau thi.

Khách mời trong chương trình

Khách mời trong chương trình

Để hỗ trợ thí sinh trong việc cân bằng giữa dinh dưỡng và tâm lý, giúp thí sinh tự tin và sẵn sàng “đối mặt” với những thử thách trong kỳ thi quan trọng sắp tới, ngày 17/6, Trường ĐH Mở TP HCM tổ chức chương trình tư vấn sức khoẻ mùa thi với sự tham gia của các vị khách mời:

TS Nguyễn Hữu Long, Giảng viên khoa Xã hội học- Công tác xã hội- Đông Nam Á, Trường ĐH Mở TP HCM.

ThS Dương Nhật Linh, Giảng viên khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Mở TP HCM

Cùng Nguyễn Trung Khang trong vai trò người dẫn chương trinh.

Chương trình được phát trên các nền tảng mạng xã hôi của Trường ĐH Mở TP HCM

 

Tổng thuật

Vì sao lúc em vào phòng thi, kiến thức chạy trốn hết, đầu óc trống rỗng vậy ạ? Làm thế nào để mình khắc phục tình trạng này?

Cảm ơn câu hỏi thú vị của bạn mà cô nghĩ chắc chắn ai cũng đều đã trải qua tình trạng này, và cô cũng không phải ngoại lệ. Mình đã ôn tập rất kỹ cho bài thi của mình, và yên tâm bước chân vào phòng thi. Nhưng ngay giây phút mở đề, mọi kiến thức đã học bỗng trôi tuột phương xa. Dù “vò đầu bứt tai” vẫn không thể nhớ nổi đáp án. Não dường như đóng băng, không thể xử lý bất kỳ thông tin nào đã học trước đó. Đây là tâm lý lo lắng, áp lực khi thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, mà thi cử là ví dụ phổ biến. Nó có thể khiến bạn không làm xong bài, hoặc hiểu sai yêu cầu mà đề bài đưa ra. Vậy vì sao ta lại “rớt não” trong phòng thi, dù trước đó đã ôn tập rất kỹ

Nguyên nhân là do:

Não lạ lẫm với môi trường căng thẳng: Môi trường ôn tập ở nhà có nhiều điều kiện để chúng ta thấy thoải mái. Bạn có thể vừa học bài, vừa nghe list nhạc yêu thích, vừa nhâm nhi cốc trà hoặc học nhóm cùng bạn bè. Theo chuyên gia thần kinh Jared Cooney Horvath, đây là thời điểm bạn ở trạng thái nhận thức lạnh (cold cognition) điều kiện giúp phát huy khả năng tư duy bằng logic và lý trí. Các stress hormones cũng bị “ngăn” lại bởi vùng dưới đồi (hypothalamus), khi xung quanh bạn có những yếu tố giúp bạn xả hơi khi cần thiết. Tuy nhiên khi bước vào phòng thi, bạn tiếp xúc với một môi trường lạ lẫm, khó đoán và nhiều áp lực. Điều này khiến não rơi vào trạng thái nhận thức nóng (hot cognition) để phản ứng với tình huống căng thẳng, khiến cảm xúc lấn át đi lý trí. Sự khác biệt này khiến não rơi vào trạng thái đóng băng (freeze state), nhằm có thêm thời gian để suy nghĩ, nhìn nhận vấn đề và chuẩn bị cho phản ứng tiếp theo. Điều này vô tình khiến việc xử lý các thông tin lưu trữ trước đó bị tạm dừng, khiến bạn quên hết bài đã học.

Não lo lắng trước mối đe dọa: Nhiều nỗi sợ mang tên “mùa thi” như sợ điểm kém, sợ bị ba mẹ la mắng hay rớt. Tầm quan trọng của kỳ thi khiến chúng ta xem việc này như một mối đe dọa trong cuộc sống. Khi mối đe dọa đến gần, vùng dưới đồi sẽ thúc đẩy sản sinh norepinephrine và cortisol. Đây là các hormone giúp não phản ứng với căng thẳng, song cũng gây tác dụng phụ khi “cập bến” vỏ não trước trán (PFC). Cụ thể, chúng làm giảm khả năng xử lý thông tin và hiệu quả giao tiếp, cũng như “xóa sổ” trí nhớ làm việc (working memory) khiến mọi suy nghĩ của bạn biến mất. Cùng lúc đó, một lượng lớn cortisol di chuyển đến hồi hải mã (hippocampus), “khóa” lại con đường dẫn vào ký ức và thông tin lưu trữ. Từ đó, ta loay hoay mãi trong phòng thi mà chẳng thể chọn được đáp án.

Nước tới chân mới nhảy và học nhồi nhét quá nhiều kiến thức: “Nước đến chân mới nhảy” là hiện tượng không còn xa lạ với sĩ tử mùa thi, bởi gần như ai cũng bị chôn vùi trong một khối lượng kiến thức khổng lồ. Và để “nhảy” thành công, chúng ta thường dùng phương pháp ôn nhồi nhét (cram) trong thời gian ngắn ngủi trước khi thi. ? Đây chính là một lý do dẫn đến hiện tượng “mất não” khi làm bài, mà chỉ có thể ngồi đếm xem tổ tiên mách bảo chọn ý nào. Bởi nhồi quá nhiều thông tin trong thời gian ngắn khiến não bị quá tải, khó truy xuất được những phần kiến thức cụ thể trong lúc ôn tập.

Làm thế nào để mình khắc phục tình trạng này?

Lo lắng hay căng thẳng là tâm lý chung trong những ngày thi cử quan trọng. Thực tế theo định luật Yerkes-Dodson, sự căng thẳng ở mức vừa phải còn có lợi thế nhất định. Nó giúp bạn tỉnh táo và sẵn sàng đối mặt với thử thách, từ đó gia tăng hiệu suất công việc và tốc độ xử lý thông tin trong kỳ thi. Tuy nhiên khi căng thẳng lên quá cao, nó sẽ ngược lại. Do đó nếu thấy quá căng thẳng vào những ngày “thử lửa”, nên tham khảo các cách sau để giữ cho mình “một cái đầu lạnh” trong phòng thi:

Tránh nhồi nhét vào phút cuối: Dù có thể giúp bạn “trúng tủ” phút chót, cách học này nhìn chung vẫn lợi bất cập hại. Thay vào đó, hãy xem những nội dung giải trí để thả lỏng một chút. Nó cũng bổ sung một liều dopamine giúp não bạn thoải mái trước giờ “chiến đấu”.

Tự tạo môi trường “phòng thi”: Khi được “tôi luyện” từ trước, bạn sẽ quen hơn với môi trường phòng thi. Vì vậy bạn có thể “thiết kế” môi trường ôn luyện ở nhà giống như đi thi thật. Chẳng hạn bạn có thể ngồi trong phòng tĩnh, bấm đồng hồ và làm bài thi viết đúng thời gian quy định.

Chế độ sinh hoạt lành mạnh: Việc liên tục thức khuya khiến não bộ không đủ minh mẫn để “truy hồi” lại kiến thức trong ngày thi. Do đó, chú ý giữ nhịp sinh hoạt hợp lý, ăn uống và nghỉ ngơi điều độ để vượt vũ môn với phong độ tốt nhất.

Hít thở sâu: Các bài tập thiền, hít thở sâu sẽ giúp bạn bình tĩnh hơn trong giây phút khủng hoảng. Hãy hít vào thật chậm và sâu để không khí tràn ngập phổi. Sau đó đếm 6 giây rồi từ từ thở ra cũng với 6 giây.

Động viên bản thân: Vào những giây phút quan trọng, đừng tự trách bản thân nếu lỡ ôn “trượt tủ” hay ôn chưa kỹ. Thay vào đó, nên liên tục trấn an bản thân bằng các câu như “Mình có thể làm được!”, “Mình đã ôn tập rồi!” để vững tâm trở lại khi đang thi. Bởi điều gì đã xảy ra thì không thể thay đổi, nhưng bạn luôn có thể cố gắng hết mình để bảo đảm kết quả thi tốt nhất.

Có nhiều bạn học sinh theo hệ “tâm linh”, trước khi đi thi không ăn chuối, ăn trứng, đậu đen, vậy theo Thầy Cô có cần phải kiêng như vậy không?

Nhiều bạn tin vào những điều kiêng kỵ tâm linh nên thường tìm hiểu về vấn đề thí sinh trước khi thi không nên làm gì. Nhưng bạn lại quên rằng chăm chỉ học tập, chú ý đến chế độ ăn uống, nghỉ ngơi đúng cách mới là điều quan trọng nhất để đạt được thành tích tốt trong các cuộc thi. Từ góc độ khoa học, không có bằng chứng rõ ràng cho việc những hành động này ảnh hưởng đến kết quả thi. Quan trọng nhất là bạn tự tin và chuẩn bị tốt cho kỳ thi của mình!

Chú ý chế độ ăn uống, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng: các bạn thường nhịn ăn cho qua bữa trong mùa thi chứ không quan tâm vào chế độ ăn uống. Bạn cần đảm bảo sức khỏe của mình bằng cách ăn uống đủ 3 bữa/ngày, ăn đúng giờ. Đồng thời, tăng cường bổ sung các loại rau, củ quả bằng cách uống sinh tố, nước ép và uống nhiều nước.

Ngủ đủ giấc, đúng giờ: Có rất nhiều bạn ôn tập xuyên ngày đêm mà không quan tâm đến giấc ngủ. Điều này có thể khiến bạn suy giảm sự tập trung và giảm sức khỏe trong khi làm bài thi.

Bạn cần chuẩn bị một tinh thần vui vẻ, bình tĩnh trước khi bước vào kỳ thi: Đừng quá áp lực, lo lắng vì điểm số. Điều này không ít thì nhiều sẽ khiến bạn bị mất bình tĩnh, không tập trung được trong khi giải bài thi.

Hiện nay, em đang học lớp 11, em có áp dụng pp re-reading, highlight, take note để ôn bài, liệu đó có phải là phương pháp hiệu quả không?

Những phương pháp học tập được nhiều bạn ưa chuộng như đọc lại nhiều lần, học thuộc lòng, ghi chú, tóm tắt, gạch chân. Bạn có thể ngồi học liên tục nhiều tiếng đồng hồ mỗi ngày và ảo tưởng rằng mình đang học chăm chỉ, hiệu quả. Đây là phương pháp ôn thi phổ biến nhưng lại được xem là thụ động, chính là phương pháp đọc lại bài hay còn gọi là re-reading, ví dụ như ngày mai thi lịch sử chẳng hạn thì bạn mới mở sách ra đọc rồi đọc đến đâu thì gật gù à mình nhớ đoạn này,… mình quên đoạn kia, OK OK hoặc thậm chí khi các bạn highlight hay chép tay ý chính từ cuốn sách ra thì nó cũng không phải là phương pháp chủ động để nhớ. Cách vừa đọc và vừa ghi chép highlight này chỉ hiệu quả khi bạn học nội dung mới thôi, và không có nhiều tác dụng trong việc ôn tập, nhớ kiến thức lâu dài.

Mình sẽ giới thiệu cho các bạn 2 phương pháp học ôn thi mà đã được khoa học kiểm chứng là hiệu quả nhất để giúp ta nhớ được kiến thức và trả bài cho những kỳ thi như là thi học kỳ, thi tốt nghiệp, thi đại học.

Hai phương pháp đó là:

-      Active recall (chủ động gợi nhớ)

-      Spaced repetition (lặp lại cái quãng)

Phương pháp active recall tập trung vào việc luyện cho não kỹ năng ghi nhớ và tra cứu kiến thức đúng lúc. Active recall hiệu quả nhất khi tìm hiểu về các khái niệm, lý thuyết, học cách phát hiện câu hỏi đang đặt ra là gì và khi nào áp dụng khái niệm nào để giải quyết vấn đề. dựa vào lý thuyết rằng khi bạn học một điều gì đó mới mẻ thì não bộ của mình sẽ ghi nhận và giấu nó ở trong một phần nào đó trong đầu của mình. Tuy nhiên sau này khi mình cần phải sử dụng nó cho thi cử này hay là trả bài chẳng hạn thì mình cần phải luyện tập não bộ của mình làm sao cho não của mình “truy xuất” kiến thức đó ở đâu đó trong đầu của mình. Do vậy phương pháp này có tên là Active recall hay còn gọi là chủ động gợi nhớ.
Phương pháp spaced repetition dựa vào nghiên cứu về Đường cong lãng quên, dựa vào nghiên cứu về đường cong lãng quên hay còn gọi là forgetting curve đường cong thể hiện là khi mình bắt đầu học một kiến thức mới thì não bộ của mình sẽ nhớ kiến thức đó. Tuy nhiên thời gian càng dài thì mình sẽ càng quên nhiều hơn, trí nhớ kiến thức của mình nó rơi rụng dần. Bởi vậy Spaced repetition sử dụng chiến thuật lặp lại cách quãng, tức là ngay khi mình bắt đầu quên một cái gì đấy thì mình ôn lại, gối đầu ngay lập tức. Cứ như vậy cứ như vậy thì mình sẽ nhớ được kiến thức đó lâu hơn và ổn định hơn, bền vững hơn. Keyword ở đây là cách quãng. Hiểu tại sao lại cách quãng, thì mình phải hiểu cả ý nghĩa ngược lại là liền mạch. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu ngày nào cũng ôn tập với kiến thức y chang nhau thì không tốt, nó khiến cho mình mệt mỏi chán nản. Khi mình ôn cách quãng thì mình luyện cho não bộ của mình có thời gian để nghỉ ngơi, để tìm cách gợi lại kiến thức mà đã bắt đầu bị phai mờ. Đây chính là một kỹ năng vô cùng quan trọng để mình có thể nhớ được lâu hơn, đó chính là trọng tâm của phương pháp Spaced repetition này.

Hai phương pháp Active recall và Spaced repetition là một bộ đôi hoàn hảo. Các bạn nên sử dụng hai phương pháp song song với nhau bởi vì nó bổ trợ cho nhau giúp cho mình luyện tập não bộ của mình, nhớ kiến thức lâu hơn và ứng dụng được nó tốt hơn trong bài thi của mình.

Một trong những phương pháp phổ biến nhất để thực hiện Active recall và Spaced repetition là sử dụng flashcard. Khi ôn bài nếu có phần kiến thức nào cảm thấy khó nhớ hoặc quan trọng bạn ghi vào flashcard. Một mặt của flashcard ghi khái niệm, từ mới. Mặt bên kia của flashcard ghi phần giải thích, ví dụ hoặc đáp án. Cái nào ghi cái nào bỏ hoàn toàn phụ thuộc vào từng người khi ôn thi không có một quy tắc cụ thể. Tuy nhiên bạn không nên ghi tất cả mọi thứ. Như mình nói ban đầu Active recall hiệu quả nhất khi bạn tạo ra trở ngại cho não bộ của mình để nhớ những nội dung khó và quan trọng, vì vậy mình chỉ nên tập trung vào những thứ mình chưa nhớ chưa hiểu hoặc cảm thấy quan trọng cho bài thi mà thôi. Khi đã có flashcard thì mình sẽ sử dụng Spaced repetition để học cách quãng.

Có bạn có thể tiếp thu kiến thức bằng nhiều hình thức khác nhau như đọc văn bản, xem hình ảnh, sơ đồ, nghe âm thanh. Một số người phải đọc lên thành tiếng mới nhớ lâu, có người lại cần hình ảnh minh họa, sơ đồ trực quan, sinh động.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hình ảnh giúp kiến thức được ghi nhớ lâu hơn. Vì thế khi học không nên cứng nhắc theo một hình thức cụ thể nào mà có thể kết hợp nhiều hình thức như vẽ sơ đồ, đọc to thành tiếng, hỏi đáp cùng bạn học.

Việc vẽ mindmap (sơ đồ tư duy) phù hợp nhất với kiến thức phức tạp, có liên quan đến nhau như các bộ phận của cơ thể người, máy móc, tiến trình lịch sử. Khi ôn tập, nên gấp sách lại rồi vẽ mindmap theo trí nhớ, khi vẽ xong mới mở đáp án ra đối chiếu.

Ngoài ra, không nên chỉ tập trung vào đáp án mà hãy tự đặt câu hỏi cho bản thân. Thử đóng vai người ra đề thi và suy nghĩ xem họ muốn hỏi thí sinh những điều gì, phần kiến thức nào là quan trọng? Nếu có bạn cùng học ôn thì cả hai có thể thay phiên hỏi đáp để kiểm tra kiến thức của nhau.

Các bạn không nên học đi học lại cùng một nội dung trong một khoảng thời gian dài, thay vào đó hãy lên lịch học các môn học xen kẽ nhau. Tính toán thời gian ôn, nhắc lại phù hợp theo phương pháp lặp lại cách quãng để liên tục ôn "gối đầu" kiến thức.

Nhiều bạn học sinh có tâm lý sợ không kịp ôn, ko đủ thời gian ôn bài nên thức khuya để ôn tập, vậy thì làm thế nào vẫn có thể ngủ đủ nhưng vẫn ôn bài hiệu quả?

Hiện nay, nhiều bạn vẫn còn giữ thói quen thức khuya để học bài. Đặc biệt vào mùa thi, khi có nhiều kiến thức cần ôn tập thì thậm chí có những bạn thức đến 2 -3 giờ sáng để học bài. Nhưng đây là lối sinh hoạt phản khoa học và rất có hại cho sức khỏe.

Theo đồng hồ sinh học, cơ thể sau một ngày dài hoạt động thì về đêm là lúc cơ thể cần được nghỉ ngơi để các cơ quan bên trong đào thải chất độc và tái tạo lại. Nhưng nếu bạn vẫn học vào ban đêm sẽ khiến cơ thể rất mệt mỏi, uể oải, không tập trung đồng thời còn khiến lão hóa da nhanh chóng. Bên cạnh đó, ngày hôm sau đầu óc của bạn không được tỉnh táo làm sa sút tinh thần và căng thẳng ảnh hưởng đến công việc và học tập.

Không những vậy, việc thức khuya học bài còn kèm theo đó là rất nhiều tác hại về lâu về dài cho sức khỏe như trí nhớ kém, khó tập trung tư tưởng, hay quên, phản ứng chậm, chóng mặt, nhức đầu…

Phải là ngủ đủ 8 tiếng, mình biết là cái việc ngủ đủ khó như thế nào đối với những bạn mình đang gặp phải áp lực với thi cử có thể có những bạn còn ngủ nhiều hơn thế bởi vì là mình quá stress mình quá áp lực mình không muốn dậy nữa, thực sự để nhớ kiến thức hiệu quả thì mình cần phải ngủ đầy đủ. Ngày xưa thì mình gặp phải một sai lầm nghiêm trọng đó là mình chỉ cày đêm thôi, mình học quen vào buổi đêm, buổi sáng thì mình ngủ bù, dẫn đến việc khi mình thi thật đồng hồ sinh học của mình chưa đáp ứng được với thời gian buổi sáng nên đi thi nó ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và thể chất của mình. Do vậy các bạn đừng lặp lại cái vấn đề của mình ngày xưa hãy cố gắng vừa học cách tập trung và vừa nghỉ ngơi.

Vậy NÊN THỨC KHUYA HAY DẬY SỚM HỌC BÀI? Nên thức khuya hay dậy sớm học bài luôn là

Đi ngủ sớm và sáng dậy sớm học bài, lúc này cơ thể đã được nghỉ ngơi đầy đủ để sẵn sàng bắt đầu một ngày mới hiệu quả, năng suất học tập sẽ được cải thiện rõ rệt. Buổi sáng sớm thường có không khí trong lành hơn rất nhiều so với ban đêm nên đây là thời điểm tốt nhất để cơ thể hoạt động và bộ não tiếp thu kiến thức. Vào buổi sáng sớm con người thường có những suy nghĩ tích cực và tràn đầy năng lượng hơn. Việc bạn rèn luyện thói quen dậy sớm không chỉ tốt cho quá trình học tập mà còn rất tốt cho sức khỏe, hạn chế suy nhược thần kinh cũng như có tinh thần thoải mái nhất.

Đứng trước những kỳ thi quan trọng, rất nhiều bạn lo lắng và cố gắng học nhiều nhất có thể. Tuy nhiên, việc ăn ngủ, nghỉ ngơi điều độ cũng là một yếu tố quan trọng để đảm bảo sức khỏe trước kỳ thi.

Việc thức khuya, dậy sớm, học hành nhồi nhét không bao giờ mang lại hiệu quả. Thay vào đó, một lịch trình học tập cụ thể, rõ ràng với những phương pháp hiệu quả mới là chiến lược khôn ngoan để chinh phục những mục tiêu.

Hãy sử dụng giấc ngủ như một sự trợ giúp mạnh mẽ giữa các buổi học. Các nhà khoa học cho biết, trong khi ngủ, chúng ta sẽ củng cố những gì chúng ta mới học được trong ngày vào trí nhớ dài hạn. Trong khi đó, một giấc ngủ trước khi học kiến thức mới cho phép não bộ của bạn trở nên sáng suốt hơn. Ngay cả những giấc ngủ trưa dài (hơn 60 phút) cũng giúp củng cố những gì mà bạn đã học.

Tại sao em đọc sách chậm, làm thế nào để em có thể đọc sách nhanh hơn và hiệu quả?

Việc áp dụng và phối các kỹ thuật đọc như thế nào cho hợp lý phụ thuộc rất lớn vào mục đích đọc của bạn

Bạn có thể trau dồi kỹ thuật đọc lướt, tìm ý và kỹ thuật đọc định hướng trước. Hai kỹ thuật này khá đơn giản để thực hiện và rất hiệu quả để học tập trong các kỳ kiểm tra.

Em có thắc mắc: Vì sao em ngồi học liên tục từ sáng tới chiều , tuy nhiên khi review lại kiến thức đã ôn thì em chỉ nhớ được kiến thức đầu ngày và cuối ngày thôi?

Một loạt các buổi học ngắn hơn được phân bổ trong nhiều ngày sẽ thích hợp hơn các buổi học ít hơn nhưng dài hơn. Chúng ta có xu hướng nhớ những thứ ở đầu danh sách hoặc phần học và những thứ ở cuối. Bằng cách phân bổ thời gian ôn tập, chúng ta có thể tối ưu hóa việc học của mình. Giả sử rằng bạn nhớ những gì bạn đã học được trong 20 phút đầu tiên và bạn nhớ những gì bạn học được trong 20 phút cuối cùng. Cái nào sẽ hiệu quả hơn? Bạn học 4 giờ liên tục. Bạn học 4 buổi khác nhau, mỗi buổi 50 phút. Tính toán số tiền bạn có thể sẽ học bằng cách sử dụng từng phương pháp. Phân bổ thời gian ôn tập cho phép thời gian để mọi thứ củng cố và xây dựng nền tảng cơ bản. Nó cũng sử dụng những gì chúng ta biết về bản chất của trí nhớ ngắn hạn.

Đây là một nguyên tắc dễ dàng để thử nghiệm và cho bạn thấy những hiệu quả. Dưới đây là một vài lời khuyên:

Hãy giải lao 10 phút sau mỗi giờ học và xem lại những gì bạn vừa học trước khi bắt đầu lại.

Có thời gian dự kiến ​​để học từng môn.

Tận dụng giờ và thời gian ban ngày mà bạn thường lãng phí.

Sử dụng thẻ ghi nhớ.

Đánh dấu mỗi đoạn trong sách giáo khoa của bạn bằng một câu hỏi hoặc nhãn dán. (Bằng cách này, bạn có thể đọc các đoạn ngắn và các phần và ghép chúng lại với nhau khi bạn đã hoàn thành.)

Học ngay trước và sau giờ học.

Đi thi cần chuẩn bị dinh dưỡng thế nào, đặc biệt trước kỳ thi TNTHPT rất quan trọng sắp tới?

Trung bình mỗi ngày, các em cần nạp đủ lượng dinh dưỡng như sau: nam cần 2500 calo/ngày, nữ cần 2000-2300 calo/ngày. Với các em học sinh, khi mùa thi tới, phải học tập và trí não luôn hoạt động thì càng cần nâng cao lượng dinh dưỡng. Trung bình, bộ não tiêu tốn 400 calo/ngày, tiêu hao 1/5 năng lượng cơ thể. Vậy, các bạn cần ăn uống như thế nào để có sức khỏe tốt nhất, đặc biệt là cho hoạt động của bộ não và trí nhớ?

Ăn đủ chất, tăng cường thực phẩm lành mạnh: Ngoài việc áp dụng một chế độ dinh dưỡng đầy đủ các nhóm thực phẩm (tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất), các em học sinh nên tăng cường ăn các thực phẩm lành mạnh như: rau, trái cây, ngũ cốc, sữa, cá và thịt gia cầm…Những thực phẩm này đặc biệt tốt vào mùa thi, giúp cung cấp dinh dưỡng để cơ thể có thể hoạt động ở mức tối ưu, đặc biệt là cung cấp năng lượng cho hoạt động của não và hỗ trợ duy trì trí nhớ. Ăn uống lành mạnh cũng giúp ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe có thể gây bất lợi trong khi học tập và thi cử.

Không bỏ bữa, ăn đúng giờ: Càng gần đến kỳ thi lịch học càng dày đặc khiến các em học sinh không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Tuy nhiên, dù thế nào cũng cần cố gắng đảm bảo chế độ ăn uống. Cần sắp xếp thời gian học, nghỉ ngơi và ăn uống khoa học. Không nên để trẻ cố thức khuya để học, sáng nên thức dậy đúng giờ, ăn sáng đầy đủ. Tuyệt đối không bỏ bữa ăn sáng vì đây là bữa ăn quan trọng giúp bổ sung phần lớn dinh dưỡng cần thiết trong ngày. Bữa ăn sáng quan trọng vì sau khi trải qua một đêm dài, khi ngủ dậy, lượng đường trong máu thường ở mức thấp, trong khi cơ thể lại cần đường cho cơ và não hoạt động và bữa sáng giúp bổ sung lượng đường này. Nên bổ sung các thực phẩm như: sữa, trứng, cá, thịt gà, rau củ vào thực đơn của bữa ăn sáng. Bữa trưa và bữa tối cũng cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và đúng giờ. Đối với các bữa phụ cũng nên bố trí thời gian hợp lý như giữa sáng, giữa chiều; Các món ăn nên chế biến tại nhà để đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.

Không nên ăn quá no: Cần lưu ý không nên ăn quá no sẽ gây đầy bụng, ậm ạch, khó tiêu. Ăn quá no khiến máu tập trung nhiều về dạ dày và ruột, lượng máu lên não sẽ giảm đi dẫn đến tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ…Ngoài ra, nếu ăn quá no, cơ thể sẽ giải phóng hormone insulin. Hormone này có nhiệm vụ dự trữ lượng đường dư thừa với mục đích dự phòng mức đường huyết xuống thấp. Việc giải phóng thêm nhiều hormone insulin có thể sẽ khiến cho lượng đường trong máu suy giảm, gây ra những cảm giác căng thẳng và không thể tập trung. Tốt nhất nên cho ăn lượng thức ăn vừa đủ, không nhồi nhét quá nhiều thực phẩm bổ dưỡng. Sau khi ăn xong nên nghỉ ngơi, thư giãn, vận động nhẹ nhàng ít nhất 30 phút mới nên học tiếp.

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top